Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sắp hết đau đầu vì loạn số nhà

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM sẽ lập lại trật tự bằng Đề án cấp số nhà thông minh. Tin vui này được loan ra khi Sở Xây dựng TP.HCM đang xem xét đề án và lấy ý kiến các quận, huyện trước khi trình UBND TP phê duyệt. Hy vọng tình trạng loạn số nhà, số nhà “siêu xuyệc” cũng nhờ đó mà sớm được khắc phục, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Số nhà nhiều xuyệc hoặc thay đổi địa chỉ, tên đường nhiều lần gây bất lợi cho cuộc sống của người dân

“Đau đầu” vì loạn xạ số nhà, tên đường

Tình trạng số nhà “siêu xuyệc”, gây không ít phiền toái đang tồn tại ở một vài nơi trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận Bình Tân. Trong đó, trên địa bàn huyện Nhà Bè là nơi có số nhà nhiều xuyệc nhất TP, với nhiều con hẻm dài đến 6, 7 xuyệc khiến chủ nhà không thể nhớ nổi, còn người muốn tìm cũng hoa mắt, choáng váng.

Cụ thể như hẻm 1806 trên đường Huỳnh Tấn Phát (thị trấn Nhà Bè), có nhà 6 xuyệc   (1806/127/2/6/15/48/2), thậm chí 7 xuyệc (1086/127/ 2/6/15/34/43/2)… Ông Lê Quốc Tuấn (ngụ hẻm 495) có lẽ may mắn hơn khi được cấp số nhà mới với địa chỉ ngắn hơn. Tuy nhiên, ông không khỏi thắc mắc vì thấy chưa hợp lý ở chỗ “hai nhà bên cạnh có số nhà là 495/36/55/11 và 495/36/55/15, nhưng sao nhà tôi ở giữa lại được cấp cho số 495/36/55/11a”. Theo lời một người dân nơi đây, “mặc dù là đất thị trấn nhưng cái địa chỉ quá nhiều số khiến người dân khó cho thuê, thậm chí muốn bán nhà cũng khó”.

Tương tự, trên đường Bùi Tư Toàn (phường An Lạc, quận Bình Tân) hiện vẫn còn nhiều số nhà 5 xuyệc, tiêu biểu như 36/45/32/49/13/22 hay 36/45/32/49/13/45, 36/45/32/ 49/13/48… Ông sáu Liêm, ở phường này nói rằng, tình trạng địa chỉ quá dài không chỉ gây khó khăn cho trong sinh hoạt, mà khi đi làm giấy tờ cũng rất khó nhớ.

Cũng từng một thời chịu cảnh địa chỉ nhà nhiều số, người dân ngụ trên địa bàn phường 5, quận Tân Bình và nay lại gặp không ít phiền phức vì tên đường sử dụng không thống nhất. Theo anh Nguyễn Ngọc Hương Vỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân thép Hải Sơn (ngụ tại 1237/21 Hoàng Sa, phường 5, Tân Bình), tình trạng mỗi hộ sử dụng 3 địa chỉ với 3 tên đường khác nhau rất phổ biến, do tên đường đã bị thay đổi nhiều lần. Tuy nhiên, giấy báo tiền điện nước, điện thoại vẫn sử dụng địa chỉ cũ nhất. Để thuận lợi cho việc buôn bán, anh Vỹ cũng dán 3 địa chỉ lên cửa nhà mình, để khách hàng cũ và mới đều có thể tìm được. Trong đó, địa chỉ “lâu đời nhất” 98/94/41 Thăng Long được anh Vỹ làm hộ khẩu và đăng ký kinh doanh. Ít lâu sau, tên đường đổi thành Cách Mạng Tháng 8 với địa chỉ 766/92/15/18. Cách đây khoảng 2 năm, đường lại được đổi thành Hoàng Sa với địa chỉ một xuyệc. Trong khi anh Vỹ hạn chế sử dụng địa chỉ tên đường Thăng Long trong giao dịch bán hàng, vì sợ trùng với đường Thăng Long ở phường 4, thì đối diện nhà anh vẫn còn hộ chỉ sử dụng duy nhất địa chỉ cũ này. Điều đáng nói 2 căn nhà liền kề của hộ này lại sử dụng địa chỉ 2 tên đường khác, một bên dùng địa chỉ tên đường Cách Mạng Tháng 8, còn một bên lấy tên đường Hoàng Sa. Cũng trên địa bàn phường 5, tình trạng số nhà mới phức tạp hơn số nhà cũ cũng khiến người dân bức xúc. Chẳng hạn như số nhà cũ một xuyệc (43/9) thì số mới lên đến 3 xuyệc (766/16/15/20), hoặc tại khu phố 5, thị trấn Nhà Bè, có hộ dân được cấp số mới 5 xuyệc (1806/127/2/7/15/36) thay cho địa chỉ cũ chỉ có 4 xuyệc (206/125/19/37/6)…

Trật tự sẽ được lập lại

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, từ tháng 6-2012 đến nay, TP đã cấp hơn 142.500 số nhà và có hơn 75.000 căn được điều chỉnh địa chỉ. Tuy nhiên, chỉ có những trường hợp số nhà bất cập mới được thực hiện điều chỉnh theo quy định chung. Riêng với đề án “Cấp số nhà thông minh”, hiện Sở Xây dựng TP đang tiến hành lấy ý kiến các quận, huyện trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Tại Hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP.HCM được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã bàn bạc dự thảo đề án “Cấp số nhà thông minh” nhằm tiến tới khắc phục tình trạng trên. Ông Đỗ Phi Hùng (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) lưu ý, tình trạng trùng số nhà trên một con đường, hoặc “số nhà dài nhất thế giới” ở huyện Nhà Bè, không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý đô thị, mà còn khiến người dân bức xúc vì không thể nhớ nổi số nhà mình, thậm chí khó gọi cứu hỏa, cứu thương…

Theo đó, Sở Xây dựng TP đang xem xét thử nghiệm phần mềm quản lý số nhà thông minh. Việc lập lại trật tự số nhà theo phương pháp này được tiến hành bằng việc chọn một điểm chuẩn ở trục đường, và địa chỉ nhà sẽ là khoảng cách từ điểm chuẩn này đến mép nhà đó. Trong trường hợp nếu nhà cách điểm chuẩn 40 mét, thì nhà sẽ có số là 40. Nhà bên trái sẽ là số lẻ và nhà bên phải là số chẵn. Cách tính này sẽ tránh tình trạng trùng số, nhảy cóc số và chèn số với chữ.

Ông Hùng cũng lưu ý, để việc thực hiện đạt hiệu quả, lực lượng chức năng cần nghiên cứu kỹ càng trước khi thực hiện, nhằm hạn chế những phát sinh không đáng có và tránh gây xáo trộn đời sống người dân. Đặc biệt, đề án này chỉ thực hiện ở những nơi có tuyến đường mới và những địa bàn có số nhà lộn xộn, bất cập. Theo đó, khi đổi số nhà mới, ngoại trừ trường hợp tự nguyện muốn cập nhật địa chỉ mới, các hộ dân sẽ không bị buộc phải thay đổi thông tin trong các loại giấy tờ liên quan như hộ khẩu, CMND…

Bài, ảnh: Vũ Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)