Trong hành trình kiến tạo một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính không chỉ là việc tổ chức lại bộ máy, mà còn là một cuộc chuyển mình đầy trách nhiệm. Tinh thần ấy đang được hiện thực hóa qua các chính sách hỗ trợ chế độ cho cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi và đưa ra các giải pháp thiết thực giúp ổn định đời sống cán bộ, đặc biệt là con em họ sau sáp nhập tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Hỗ trợ cho cán bộ nghỉ việc do tinh giản
Theo chủ trương, TP.Đà Nẵng sẽ hợp nhất hành chính với tỉnh Quảng Nam. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính đưa ra mục tiêu, TP.Đà Nẵng sau sáp nhập có quy mô diện tích tự nhiên hơn 11.800km², dân số trên 3 triệu người, với tổng cộng 94 đơn vị hành chính cấp xã. Trước thời điểm hợp nhất, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của hai địa phương là hơn 51.900 người, trong đó tỉnh Quảng Nam có 32.164 người, TP.Đà Nẵng là 19.619 người. Ngoài ra, lực lượng hoạt động không chuyên trách cấp xã tại Quảng Nam là 2.620 người và tại Đà Nẵng là 658 người. Trong bối cảnh đó, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại tổ chức bộ máy được xác định là bước đi tất yếu, nhằm chuẩn bị cho tiến trình sáp nhập được diễn ra đồng bộ, hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống hành chính trong giai đoạn phát triển mới.
Để thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Đà Nẵng đang từng bước triển khai chính sách hỗ trợ người nghỉ việc do tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy một cách chủ động và minh bạch. Tính đến tháng 5-2025, TP đã phê duyệt danh sách 213 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc theo diện sắp xếp tổ chức, với tổng kinh phí chi trả hơn 191 tỷ đồng. Chính sách này được thực hiện trên tinh thần bám sát các quy định của Nghị định 178/2023/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm đảm bảo cho cán bộ, công nhân viên chức sau khi nghỉ công tác không bị thiệt thòi.
Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến nay đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 41 người nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc, với tổng kinh phí hơn 53,5 tỷ đồng. Có trường hợp nghỉ hưu trước tuổi gần 7 năm, được nhận đủ các khoản trợ cấp theo quy định lên đến hơn 3,2 tỷ đồng, bao gồm cả trợ cấp một lần và trợ cấp bổ sung đối với người có thời gian đóng BHXH dài hạn. Song song với đó, lãnh đạo tỉnh cũng tiếp thu kiến nghị từ cử tri về việc hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã bị ảnh hưởng bởi sắp xếp hành chính. Do còn chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Nội vụ, Quảng Nam tạm dừng ban hành chính sách riêng.
Quan tâm đến cán bộ nhận công tác xa nhà
Tinh giản bộ máy, xét đến cùng, không chỉ là câu chuyện tổ chức mà còn là câu chuyện con người. Tỉnh Quảng Nam đã thực hiện kế hoạch rà soát toàn diện nhu cầu nhà công vụ, nhà ở xã hội cho cán bộ sẽ chuyển đến TP.Đà Nẵng làm việc sau khi hợp nhất hai tỉnh thành. Các sở, ban, ngành được yêu cầu lập danh sách chi tiết, từ đó làm căn cứ để tỉnh phối hợp với TP.Đà Nẵng xây dựng phương án bố trí chỗ ở phù hợp.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Nam sau khi sáp nhập, TP.Đà Nẵng dự kiến cải tạo và sử dụng 4 tòa nhà công vụ với tổng cộng 810 căn hộ, tổng kinh phí sửa chữa khoảng 42 tỷ đồng. Cụ thể, gồm: Nhà số 4 Trần Phú (quận Hải Châu) có 10 phòng diện tích nhỏ, ưu tiên bố trí cho cán bộ cấp phó giám đốc sở trở lên; Ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (quận Sơn Trà) với 140 phòng, diện tích 22-45m²/phòng, có thể bố trí cán bộ ở ghép 2-4 người; Khối nhà C thuộc khu nhà ở xã hội Nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ) với 109 căn hộ khoảng 60m²/căn, dành cho các gia đình có cả hai vợ chồng là cán bộ; Ký túc xá sinh viên phía Tây tại khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) với 600 phòng, bố trí cho cán bộ thuê ở ngắn hoặc dài hạn.
Song song đó, TP cũng triển khai thêm các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở ổn định, lâu dài cho cán bộ, công chức sau hợp nhất. Trong năm 2025, dự kiến hoàn thành 2 dự án với tổng cộng 870 căn hộ tại khu dân cư An Trung 2 và khu Đại Địa Bảo. Giai đoạn 2027-2028, Đà Nẵng tiếp tục khởi công 3 dự án mới với quy mô lên đến 3.519 căn hộ.
Với các gia đình có con trong độ tuổi đến trường, nỗi lo về việc chuyển trường, nhập học cũng được chính quyền TP.Đà Nẵng chủ động tháo gỡ. Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng đã ban hành văn bản phối hợp với Sở GD-ĐT Quảng Nam thống kê cụ thể số lượng, độ tuổi, cấp học của con em cán bộ có khả năng chuyển về học tập tại Đà Nẵng. Từ đó, các phòng giáo dục cấp quận, huyện được yêu cầu lên phương án tiếp nhận, phân bổ học sinh, đảm bảo công khai, minh bạch, không gây áp lực cho bất kỳ trường học nào.
Sáp nhập đơn vị hành chính là xu thế lớn được Đảng và Nhà nước xác định trong chiến lược tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhưng để “cuộc đại phẫu” này không gây ra tổn thương dư chấn kéo dài, những chính sách mang tính an sinh như chi trả đầy đủ cho người nghỉ việc; bảo đảm chỗ ở, cho người ở lại và chỗ học cho con họ là điều bắt buộc.
Thực tiễn tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cho thấy, nếu có sự chủ động từ chính quyền, sự đồng hành của các cơ quan tham mưu và tinh thần nhân văn, con người đặt lên hàng đầu, mọi thách thức hành chính đều có thể vượt qua bằng giải pháp mềm dẻo mà kiên định.
Có thể nói, chính sách chi trả cho người nghỉ việc vì tinh giản, tinh gọn bộ máy, cùng các phương án bảo đảm đời sống cho cán bộ còn lại tại Quảng Nam và Đà Nẵng là dấu ấn thể hiện rõ cam kết chính trị rằng, khi hành chính được hợp nhất thì đồng thời cũng cần một sự hợp nhất về nhận thức và trách nhiệm giữa chính quyền và người dân, giữa bộ máy và từng con người.
Thiên Phúc
Bình luận (0)