Trong khi chưa thể thu phí giao dịch ATM nội mạng, các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng biểu phí giao dịch liên mạng từ mức trần 3.300 đồng hiện nay lên 5.500 đồng.
|
Các ngân hàng than lỗ vì phát triển dịch vụ ATM. Ảnh: Hoàng Hà |
Một nguồn tin từ Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết kế hoạch điều chỉnh biểu phí giao dịch liên mạng đã được phần lớn các thành viên tán thành và có thể được áp dụng sớm nhất từ 1/6, tùy theo lộ trình của từng ngân hàng.
Hiện tại, mức trần 3.300 đồng mỗi giao dịch được các ngân hàng áp dụng khi khách hàng của mình rút tiền tại ATM của ngân hàng khác. Một số ngân hàng để thấp hơn, khoảng 3.000 đồng mỗi lần rút tiền ngoại mạng. Với các giao dịch khác như chuyển khoản, truy vấn số dư hoặc in sao kê, phần lớn các ngân hàng áp dụng mức 1.650 đồng một giao dịch, trong khi một số đơn vị thu 1.500 đồng.
Theo Hội Thẻ, mức phí ngoại mạng hiện nay không đù bù đắp chi phí đầu tư của các ngân hàng. Số tiền 3.300 đồng thu của khách hàng hiện nay, ngân hàng phát hành thẻ phải trích 35-50% trả cho tổ chức chuyển mạch (đơn vị trung gian có vai trò kết nối giao dịch giữa các ngân hàng, như BankNet hay Smartlink). Phần còn lại phải trả cho ngân hàng thanh toán (là ngân hàng ngân hàng có ATM và ứng tiền mặt cho khách).
"Việc trả phí cho các tổ chức chuyển mạch cũng như ngân hàng thanh toán hiện nay vẫn trên tinh thần hỗ trợ nhau, dựa vào số phí thu được của khách hàng, chứ chưa tính đủ các chi phí đầu vào mà các bên phải bỏ ra cho một giao dịch liên mạng", một thành viên Hội Thẻ nói.
Cùng với kế hoạch tăng phí liên mạng, một số thành viên Hội Thẻ đang nghiên cứu khả năng thu phí nội mạng (thu khi khách hàng giao dịch trên chính ATM của mình).
Từ 3-4 năm trước, các ngân hàng đã tính chuyện thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp chi phí đầu tư, song chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và vấp phải phản ứng gay gắt của các khách hàng nhận lương qua tài khoản, đặc biệt là những người hưởng lương ngân sách và lao động thu nhập thấp.
Năm 2009, Ngân hàng Nhà nước dự thảo thông tư hướng dẫn nguyên tắc thu, trả và chia sẻ phí đối với các giao dịch thẻ nội địa tại máy giao dịch tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thẻ (POS), trong đó yêu cầu áp mức phí bằng 0 với các giao dịch nội mạng. Còn với giao dịch ngoại mạng, các ngân hàng không được thu phí truy vấn tài khoản, và phải miễn phí 3 giao dịch đầu tiên trong tháng của các khách hàng sử dụng thẻ để nhận lương từ ngân sách nhà nước, lương hưu, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, thông tư này từ đó đến nay chưa được ban hành. Từ 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cho phép các ngân hàng được tự ấn định và niêm yết công khai các mức phí của mình. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Đến cuối 2010, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 32 triệu thẻ, trong đó hơn 93% là thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng chính sử dụng ATM hiện nay. Lượng ATM lắp đặt trên cả nước đạt gần 11.700 máy, bên cạnh gần 54.000 POS.
Các ngân hàng đang giảm dần tốc độ tăng trưởng thẻ nội địa cũng như ATM mới với lý do dịch vụ này đang lỗ. Hiện thẻ ghi nợ nội địa chủ yếu được dùng để rút tiền mặt, dù các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho loại thẻ này như mua vé máy bay, trả cước taxi.
Năm 2010, trong tổng doanh số sử dụng thẻ (cả nội địa và quốc tế) là 29,1 tỷ USD thì doanh số rút tiền mặt tại ATM lên tới 21,5 tỷ USD.
Nguồn VNEXPRESS
Tin liên quan
Sáng 13-1, đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có...
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Sáng 7-1, UBND phường 14 quận 5 đã tổ chức Lễ ra mắt “Phố vải - Soái Kình Lâm”. Ông Lê Đăng...
Tai nạn lao động không chỉ để lại vết thương trên cơ thể mà còn khắc sâu nỗi mặc cảm trong tâm...
Bình luận (0)