Nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động đã qua đào tạo bài bản, có trình độ kỹ năng thì năng suất lao động sẽ cao, hạn chế được tai nạn lao động và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lao động qua đào tạo sẽ đủ kỹ năng và kiến thức về an toàn lao động khi làm việc. MỸ QUYÊN
Dễ bị sa thải và trả lương thấp nếu không qua đào tạo
Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo. Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI chủ yếu sử dụng lao động phổ thông có độ tuổi từ 18 đến 20.
"Một thống kê cho thấy nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp đối với lao động phổ thông đạt tới con số hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác. Người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ kỹ năng nghề rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn chưa cao, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, người lao động không được bảo vệ thỏa đáng do không có chứng nhận, công nhận về trình độ và những rủi ro cho người lao động như an toàn lao động (do thiếu kỹ năng lao động), bị trả lương thấp, bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ…", ông Hùng chia sẻ.
Dự thảo thông tư này quy định lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp chứng nhận, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ sơ cấp, bằng tốt nghiệp nghề, bằng tốt nghiệp các trình độ trung cấp, CĐ (hoặc tương đương), ĐH, sau ĐH và các chứng chỉ chuyên môn theo quy định của các luật chuyên ngành hoặc người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Ngoài ra, lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài, được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và công nhận tương đương với các trình độ đào tạo của Việt Nam. Hoặc người được cấp chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh/thành phố trở lên và người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với trình độ sơ cấp cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên.
Thực hiện theo lộ trình
Tại dự thảo thông tư, có 3 danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo. Danh mục 1 gồm 68 ngành, nghề được áp dụng từ ngày 1.1.2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như lắp đặt giàn khoan, xây dựng công trình thuỷ điện, công nghệ sơn ô tô, hàn, khoan thăm dò địa chất, bảo trì và sửa chữa thiết bị hoá chất, xử lý chất thải công nghiệp và y tế…
Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế), như công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, đúc dát đồng mỹ nghệ, chế tạo khuôn mẫu, cắt gọt kim loại, lắp đặt điện công trình, vận hành máy xây dựng, sửa chữa cơ khí động lực, lái tàu đường sắt…
Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1.1.2024.
Cũng theo ông Hùng, ở những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nếu người lao động không được đào tạo thì nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và không bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong môi trường lao động khó khăn, vất vả. "Việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với quyền lợi của người lao động", ông Vũ Xuân Hùng nhìn nhận.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)