Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sắp xếp để bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 vào sáng 31-7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nêu 2 đơn vị hành chính: Quận 1, dân số đăng ký là 239.000 người, nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người; xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đạt trên 2.000% về dân số, tức gấp 20 lần về tiêu chuẩn (quy mô dân số tiêu chuẩn của xã Vĩnh Lộc A là khoảng 8.000 người, nhưng hiện nay đã hơn 162.000 người – PV).
Từ việc nhận diện rõ đặc điểm “diện tích nhỏ – dân số đông – hoạt động hành chính rất lớn”, người đứng đầu chính quyền thành phố đã nhận định lộ trình và cách thức tiến hành sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố “đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, vừa thực hiện đúng các chủ trương của Trung ương, vừa phù hợp thực tế TPHCM nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhưng không gây xáo trộn lớn, tạo động lực phát triển thành phố”.
TPHCM vừa mới trải qua giai đoạn sắp xếp 3 quận (gồm quận 2, 9, Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức; sắp xếp 19 phường thành 9 phường. Qua sắp xếp, thành phố đã giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện; 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện các đơn vị hành chính được sắp xếp cơ bản hoạt động ổn định. Song, trong quá trình sáp nhập – sắp xếp, cho đến nay đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập, từ vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, sắp xếp đội ngũ cán bộ cũng như cơ sở vật chất.
Rõ ràng, việc sắp xếp phải vừa đảm bảo theo quy định nhưng không cơ học và “đồng phục” với tất cả 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã. Chỉ tính riêng tỷ lệ theo quy định, TPHCM có 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích nhưng có đến 21 huyện và 223 xã vượt 100% tiêu chuẩn về dân số, bài toán này sẽ phải giải quyết như thế nào để vừa tinh gọn bộ máy mà không suy giảm chất lượng phục vụ công.
TPHCM cũng xác định rõ quá trình sắp xếp phải gắn sát với lập quy hoạch chung của thành phố và việc triển khai Đề án xây dựng nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình ấy sẽ phát sinh những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, thành phố sẽ phải xây dựng các giải pháp ứng phó toàn diện, nhất là ở cấp cơ sở và cả kết nối liên tịch để hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực lên đời sống xã hội.
Lộ trình sắp xếp cũng cần tính tới việc tái cân bằng với 5 huyện ngoại thành giữa quy mô dân số (hiện đang có sức tập trung dân cư rất lớn ở 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) và hạ tầng, dịch vụ (hầu hết đều đang quá tải), trong đó cần tính toán kỹ lưỡng nhưng không để “treo” định hướng chuyển huyện thành quận hoặc lên thành phố trực thuộc TPHCM.
TPHCM đang có những chuyển động mạnh mẽ cả về cơ chế, hạ tầng lẫn nhân lực. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một mặt theo chủ trương chung; mặt khác cũng là điều kiện và là một phần của hệ quả dự phần vào sự chuyển động ấy. Và trước hết, chính là cơ hội để bộ máy các cấp rà soát, củng cố và chấn chỉnh lại từ chất lượng, hiệu năng phục vụ đến hệ thống số liệu thống kê chi tiết từ cấp xã đến cấp huyện, làm cơ sở để có thông tin phục vụ quản lý tốt hơn, tiến tới nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính – dịch vụ công.
QUÂN CÁT (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)