Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sắp xếp lại hàng rong

Tạp Chí Giáo Dục

Một số quận, huyện ở TPHCM đang lên phương án bố trí khu vực buôn bán tập trung cố định cho người bán hàng rong. Việc này nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự lòng lề đường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Thí điểm bố trí hàng rong
Trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, vợ chồng bà Phạm Thị Hiền (phường Tân Thuận Đông, quận 7) buôn bán dạo trên đường Bùi Văn Ba. Từ khi dịch bùng phát đến nay, việc buôn bán của vợ chồng bà Hiền phải ngưng hoạt động. Giữa tháng 9, quận 7 công bố kiểm soát được dịch bệnh và được thành phố cho phép thí điểm một số dịch vụ kinh doanh hoạt động, vợ chồng bà Hiền mong được đi bán trở lại.
“Cứ vài ngày vợ chồng tôi lại liên hệ với UBND phường hỏi xem khi nào được bán trở lại, nhưng phường thông báo phải chờ thêm. Hiện các dịch vụ khác đã được hoạt động, nhưng còn chúng tôi thì chưa, cuộc sống khó khăn trăm bề. Mong quận 7 và thành phố sớm có giải pháp để người buôn bán dạo như chúng tôi mưu sinh”, bà Hiền trải lòng.
Trước đó, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với quận 7 về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, quận 7 đề xuất được phép thí điểm một số khu vực buôn bán tập trung cố định cho người bán hàng rong. Đây là giải pháp địa phương đưa ra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, trật tự lòng lề đường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Nói thêm về đề xuất này, đại diện UBND quận 7 cho biết, qua tìm hiểu thực tế từ một số nơi trong và ngoài nước, quận dự tính chọn những vị trí thuận lợi, có không gian trên địa bàn và xin ý kiến của TPHCM cho phép thí điểm chia ô, sắp xếp cho những người bán hàng rong bán tập trung để đảm bảo cuộc sống. Trong đó, quận chú trọng đến yếu tố giãn cách và các điều kiện phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là tiền đề quan trọng để quận chấn chỉnh tình trạng kinh doanh tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trên toàn quận.
Tương tự, quận Gò Vấp cũng đang sắp xếp lại các điểm kinh doanh buôn bán tự phát, nhằm xử lý tình trạng hàng rong, kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, quận đã yêu cầu các phường rà soát, tuyên truyền vận động, hướng dẫn lập thủ tục cấp giấy phép cho dân. Từ ngày 1-10 đến nay đã có hơn 1.500 hộ kinh doanh được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Sắp xếp lại hàng rong  ảnh 1
Bảng thông báo cấm họp chợ tự phát xung quanh chợ Căn cứ 26, phường 17, quận Gò Vấp. 
“Những trường hợp không đăng ký và buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì quận cương quyết xử lý”, ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh và cho biết, quận cũng tạo điều kiện cho những người dân buôn bán trên vỉa hè, bán hàng rong.
Cụ thể, quận đã lên kế hoạch cải tạo một số tuyến đường trước đây buôn bán tràn lan, tự phát như đường Lê Thị Hồng (chợ Căn cứ 26), Trưng Nữ Vương (phường 4), các tuyến đường xung quanh các chợ Gò Vấp, An Nhơn, Xóm Mới, Hạnh Thông Tây… Từ đó, quận cải tạo vỉa hè, lòng đường ở những nơi này cho khang trang để sắp xếp ngăn nắp và bố trí cho người dân kinh doanh, buôn bán.
Tạo thuận tiện cho người bán, người mua
Về việc sắp xếp lại hàng rong, bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6 cho biết, quận đang xây dựng kế hoạch sắp xếp các gánh hàng rong bán đồ ăn, thức uống vào một khu vực nhằm giúp người dân có nơi buôn bán cố định. Đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19, việc sắp xếp lại hàng rong giúp địa phương kiểm soát được yếu tố dịch tễ. Trong đó, quận đang cân nhắc giữa 2 phương án.
Thứ nhất, quận khảo sát một số khu vực, tuyến đường sắp xếp hàng rong vào buôn bán. Thứ 2, quận nghiên cứu xây dựng mô hình phố kinh doanh ăn uống về đêm trước chợ Bình Tây. Ở phố này, ngoài những hộ kinh doanh buôn bán cố định, quận dành một khu vực để người bán hàng rong vào buôn bán mà không tốn chi phí.
Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, UBND sẽ quận phối hợp với Hội Doanh nghiệp quận xây dựng mô hình kinh tế đêm trước chợ Bình Tây để có phương án, kế hoạch cụ thể. Trước mắt, quận khảo sát người dân có nhu cầu và tiếp nhận đăng ký nếu người dân có nhu cầu vào phố đêm buôn bán.
Ngoài ra, quận cũng khảo sát ở các khu nhà trọ, khu người lao động tự do để nắm bắt nhu cầu buôn bán hàng rong của người dân. “Quận tạo không gian mở để người bán thoải mái, người mua cảm thấy thuận tiện, nhằm đảm bảo việc sắp xếp đạt hiệu quả nhất”, bà Lê Thị Thanh Thảo khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nhận xét, việc sắp xếp lòng đường, vỉa hè là trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện. Do đó, tùy mỗi địa bàn, căn cứ tình hình thực tế mà địa phương có tính toán, bố trí sắp xếp một cách phù hợp nhất.
“Thời gian qua, một số quận, huyện đã thí điểm buôn bán hàng rong tập trung ở một số nơi và bước đầu có đáp ứng nhu cầu của người dân. Dù vậy, các địa phương cần lưu ý thêm đến việc đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Cho nên, sau khi thực hiện thí điểm, các địa phương có đánh giá, xác định cách làm phù hợp, địa điểm hợp lý và đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu vừa nêu thì có thể phát huy, nhân rộng theo thực tế”, ông Nguyễn Ngọc Tường lưu ý.
V.MINH (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)