Sắt là thành phần cấu tạo chính của haemoglobin (Hb) trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển và phân phối ôxy đi nuôi cơ thể.
Nếu hàm lượng sắt trong máu thấp, lượng Hb trong hồng cầu và số lượng hồng cầu thấp dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu máu.
Tất cả các mô và tế bào trong cơ thể đều cần ôxy để hoạt động tốt, thiếu máu sẽ dẫn đến việc các tế bào không được cung cấp đủ ôxy để hoạt động khiến cơ thể mệt mỏi, thờ ơ, khó tập trung, kém chú ý khi làm việc. Thiếu máu nặng còn gây chóng mặt, hoa mắt, nhịp tim nhanh, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hay suy tim…
Sắt có nhiều trong đậu, trái cây sấy, ngũ cốc và rau xanh lá
Thực phẩm giàu chất sắt
Trung bình, nam giới trưởng thành một ngày cần 8,7mg sắt. Phụ nữ cần tới 14,8mg sắt/ngày do thiên chức mang thai và sinh nở. Thức ăn là nguồn cung cấp chất sắt chính yếu cho cơ thể. Các loại thịt giàu chất sắt là thịt đỏ như: heo, bò, cừu…
Ngoài ra sắt có nhiều trong đậu lăng, trái cây sấy khô, ngũ cốc ăn sáng, rau xanh lá, hạt các loại…
Gan là một nguồn giàu chất sắt, nhưng nó cũng có nhiều vitamin A. Vì vậy, nếu bạn ăn gan hoặc các sản phẩm từ gan như pa-tê mỗi tuần, bạn nên tránh uống bổ sung vitamin A hoặc dầu cá đồng thời. Những người có nguy cơ loãng xương, đặc biệt là phụ nữ đã qua tuổi mãn kinh và nam giới lớn tuổi, phụ nữ mang thai cũng nên tránh ăn gan nhiều.
Ngoài nguồn cung sắt từ thức ăn, các đối tượng có nguy cơ cao về thiếu máu dinh dưỡng (thiếu máu gây ra do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu: sắt, acid folic, B12…) như phụ nữ có thai, trẻ em…có thể uống bổ sung viên sắt như sau: Bổ sung viên sắt (kèm acid folic) cho các đối tượng có nguy cơ. Phụ nữ 15 – 49 tuổi uống mỗi tuần 1 viên, uống liên tục 16 tuần trong năm. Phụ nữ có thai uống mỗi ngày 1 viên, liên tục từ lúc mang thai cho đến 1 tháng sau sinh. Bổ sung sắt cho trẻ em là rất cần thiết, nhưng cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc (Theo “Thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”, BS Lê Kim Huệ- Trưởng phòng Truyền thông đào tạo, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM).
Hấp thụ chất sắt
Trà và cà phê có chứa các hợp chất gọi là polyphenol, mà có thể liên kết với sắt làm cho cơ thể khó hấp thụ sắt vì vậy cần cắt giảm trà và cà phê để giúp cải thiện mức độ hấp thụ sắt trong cơ thể.
Vitamin C có thể giúp hấp thụ chất sắt. Vì vậy, bữa ăn cần bao gồm thêm các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như nước cam, bông cải xanh, ớt xanh hoặc khoai tây để tăng cường hấp thụ sắt cho cơ thể.
Trúc Quân/TNO
Bình luận (0)