Để có thể vượt qua những tháng ngày cam go nhất của cuộc chiến chống “giặc Covid”, ngoài lực lượng tại chỗ, TP.HCM còn có sự hỗ trợ của cả nước; đặc biệt là gần 30.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quân y, đại diện tôn giáo, tình nguyện viên… Những ngày qua, lực lượng hỗ trợ đã lần lượt rời TP.HCM để trở về địa phương. Điều khiến các anh, các chị hạnh phúc nhất là khi họ đến, TP.HCM vô cùng ảm đạm, chốt chặn, dây giăng khắp nơi nhưng ngày họ rời đi đã kịp nhìn thấy một TP hồi sinh mạnh mẽ…
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Huyền và đồng nghiệp tại BV Hồi sức Covid-19
Mỗi ngày chăm sóc 35-40 F0
Ngày 8-10, Đại úy Nguyễn Thị Vĩnh Hạnh – BS.CKI Học viện Quân y và đồng nghiệp vinh dự nhận Huy hiệu TP.HCM do UBND TP.HCM trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ TP.HCM.
“Đây là vinh dự của cả tập thể tham gia công tác phòng chống dịch, là món quà tinh thần tiếp thêm động lực cho chúng tôi làm tốt công việc hơn nữa”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh quê ở Phú Thọ. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ Học viện Quân y, ngày 23-8, chị giao hai con nhỏ cho chồng chăm sóc rồi cùng đồng đội lên đường vào chi viện cho TP.HCM. Thời điểm này TP có hơn 180.000 trường hợp nhiễm Covid-19 và đang tăng cường giãn cách.
Tổ chị Hạnh có 3 người được phân công về hỗ trợ P.5, Q.3 – địa phương có tới 800 F0. Ngoài việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, hỗ trợ tiêm vắc-xin trong phường; công việc chính của tổ là đến từng gia đình có F0 đang cách ly theo dõi tại nhà cấp thuốc, hướng dẫn tự chăm sóc, điều trị, sàng lọc… Lúc cao điểm, có ngày chị hỗ trợ trực tiếp cho 35-40 F0. Cuối tháng 8, dịch bệnh diễn biến phức tạp, riêng P.5, Q.3 có ngày ghi nhận hàng trăm F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Chị Hạnh chia sẻ, tình trạng chung của nhiều F0 là bấn loạn, lo lắng không vượt qua Covid.
“Mất 2 tuần đầu động viên, giải thích các F0 mới tin tưởng, yên tâm. Chỉ khi bệnh nhân hợp tác điều trị thì công tác chăm sóc, sàng lọc mới hiệu quả. Nhờ vậy còn giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”, chị Hạnh cho biết.
Công việc luôn tay luôn chân, không cho phép chị và đồng nghiệp được ăn – ngủ đúng giờ. Những bữa ăn trở nên vội vàng và luôn luôn trễ. Ngủ cũng chẳng đêm nào được tròn giấc, điện thoại kè kè bên người 24/24. Có đêm đang thiếp ngủ thì có điện thoại vực dậy; mặc nhanh đồ bảo hộ, chị vội lao đến nhà F0.
“Các F0 có thể trở nặng bất cứ lúc nào, chúng tôi không đến họ sẽ gặp nguy hiểm”, chị Hạnh cho hay.
22 năm công tác trong ngành, chưa bao giờ chị phải chứng kiến những cảnh tượng khốc liệt đến thế. Có bệnh nhân vài ngày điều trị đã âm tính, nhưng cũng có trường hợp chuyển viện cấp cứu 2 ngày thì qua đời. Một gia đình có 6/6 người nhiễm, trong đó 2 người không qua khỏi.
“Một lần hỗ trợ cho F0 béo phì nặng hơn 100kg, tôi và đồng nghiệp hợp sức nhưng vẫn vô cùng khó khăn để khiêng, đỡ, di chuyển. Trong những tình huống này, khả năng rách đồ bảo hộ, găng tay rất cao, nguy cơ thành F0 bất cứ lúc nào. Nhưng trước khi bước chân vào tâm dịch tôi đã xác định mình có thể là F0 nên luôn có sự chủ động về tâm lý để vượt qua”, chị Hạnh kể.
Đại úy Nguyễn Thị Vĩnh Hạnh và các đồng nghiệp đưa bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu
Sau hơn 1 tháng tích cực hỗ trợ điều trị, sàng lọc F0, P.5, Q.3 đã trở thành vùng xanh; chị Hạnh và đồng nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Từ lúc này cho đến khi rời khỏi TP.HCM, công việc của chị chuyển từ điều trị cho F0 sang quản lý và hỗ trợ F0 đã khỏi bệnh nhưng đang trong thời gian theo dõi…
Ở nơi chỉ có… máy đo chỉ số sinh tồn
Cuối tháng 10, đoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên Sở Y tế Hải Phòng chi viện đợt 2 cho TP.HCM lên đường trở về quê hương sau khi TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Khoảnh khắc trở về khiến điều dưỡng Nguyễn Thanh Huyền (Khoa Đông y, Trung tâm Y tế Q.Hồng Bàng) nhớ mãi. Bởi nhịp sống sôi động của TP.HCM đang trở về gần với trạng thái bình thường như trước đây. Đường phố đã bắt đầu nhộn nhịp người qua lại, quán xá đã không còn đóng cửa im ỉm. “Không giống như ngày 12-9, đặt chân tới TP.HCM, trước mắt tôi là cảnh tượng đường phố vắng lặng, chốt kiểm soát, dây giăng khắp nơi”, chị Huyền chia sẻ.
Được phân công về tầng ICU Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức), ngày ngày luân phiên theo ca (từ 7 giờ 30 đến 14 giờ 30; 14 giờ 30 đến 21 giờ 30; 21 giờ 30 đến 7 giờ hôm sau), chị và đồng nghiệp chăm sóc 40-50 F0 nặng. Từ hỗ trợ thuốc, ăn uống đến thay bỉm tã, lau người… cho bệnh nhân các chị làm hết.
Dù đã được các đồng nghiệp ở đoàn chi viện trước đó chia sẻ về những khó khăn, vất vả ở đây nhưng chị Huyền vẫn không khỏi… sốc. Tất cả các giường bệnh đều kín chỗ. Nhiều bệnh nhân mê man, hơi thở phụ thuộc hoàn toàn vào máy. Cả ngày lẫn đêm trong phòng ICU chỉ có âm thanh của máy đo chỉ số sinh tồn.
Chị kể, vào đến phòng ICU, ranh giới sinh tử rất mong manh. Có bệnh nhân khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan để vượt qua bệnh tật. Có bệnh nhân các chỉ số huyết áp, SpO2 đang bình thường nhưng bất ngờ hạ đột ngột và không qua khỏi.
Trước tinh thần đồng cảm, chia sẻ khó khăn với TP.HCM của lực lượng tăng cường, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận: Sự xuất hiện và xông pha vào mặt trận của họ như những người lính cảm tử, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, kịp thời “chia lửa” cùng đồng đội đang oằn mình chống dịch. Các lực lượng đã sát cánh bên nhau, âm thầm lặng lẽ, kiên gan chiến đấu làm nên những kết quả to lớn, ý nghĩa; góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, nhân dân TP làm nên những kết quả rất đáng trân trọng. Đó là kéo giảm số người nhiễm, số người trở nặng, đặc biệt là số người tử vong, từng bước giúp TP kiểm soát được dịch, chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”. |
Chứng kiến bệnh nhân trải qua các cơn đau đớn, thậm chí có người qua đời ngay trước mặt, chị Huyền và đồng nghiệp hết sức đau lòng. Nghĩ bản thân vẫn được đứng đây giúp đỡ người khác là điều may mắn; rồi chị tự nhủ phải cố gắng mỗi ngày để bệnh nhân được chuyển xuống tầng nhẹ hơn, tháo bỏ các máy móc hỗ trợ thở mới có cơ hội vượt qua cửa tử, dù không hề dễ dàng.
Ngày ngày phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, liên tục nhiều tiếng đồng hồ khiến chị thường xuyên xây xẩm mặt mày do đổ mồ hôi, mất nhiều nước. Nếu cởi bỏ, thay đồ bảo hộ liên tục sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Chị và đồng nghiệp lại nhắc nhở trước khi vào ca uống ít nước, ăn nhẹ để hạn chế đi vệ sinh, thay đồ bảo hộ. Có thể một ngày một người ăn đủ 3 bữa nhưng các chị khi vào ca sẽ nhịn luôn.
“Những lúc khó khăn, tôi thường nghĩ về cha mẹ, chồng con để cố gắng giữ gìn sức khỏe; làm tốt công việc và sớm trở về với gia đình. Trước khi lên đường chống dịch, tôi đã tự hứa với bản thân sẽ nỗ lực hết sức đóng góp vào trong cuộc chiến này, sát cánh cùng chính quyền và người dân TP đẩy lùi dịch bệnh”, chị Huyền bày tỏ.
Minh Phương
Bình luận (0)