Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sát giờ mở cửa, du lịch vẫn chờ hướng dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày mai (15.3), Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng cho ngành du lịch hồi sinh sau 2 năm kiệt quệ vì Covid-19. Thế nhưng đến sát giờ G, hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành.

Từ háo hức sang hoang mang

Một tháng trước – ngày 15.2, sáu bộ gồm VH-TT-DL; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận tải; Công an và Quốc phòng thống nhất đề xuất với Chính phủ phương án mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3. Bộ VH-TT-DL đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị. Ngay hôm sau, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận chính thức của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chốt phương án mở bung du lịch từ 15.3.

Sát giờ mở cửa, du lịch vẫn chờ hướng dẫn - ảnh 1

Khách nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất. ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Tiếng chuông” từ Chính phủ đã đánh thức toàn bộ hệ sinh thái của ngành du lịch sau kỳ ngủ đông chưa từng có trong lịch sử. Các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch háo hức bật dậy nhanh chóng với rất nhiều kế hoạch cho ngày trở lại. Địa phương triển khai loạt tour, tuyến mới; hệ thống lưu trú huấn luyện nhân viên, tu bổ lại cơ sở hạ tầng; Lữ hành rục rịch kết nối lại với các đối tác nước ngoài; Hàng loạt dự án triệu USD được các nhà phát triển du lịch bung sức với kỳ vọng bày sẵn tiệc đón khách, bắt cơ hội phục hồi.

Sau hơn 2 năm du lịch đóng băng, để khôi phục hoạt động như trước dịch, cần rất nhiều thời gian và nhiều việc cấp bách phải làm. Trâu chậm thì uống nước đục. Nếu những chính sách cứ tiếp tục thò thụt, bất nhất như hiện nay, coi chừng mục tiêu sống chung với Covid sẽ trở thành chết chung với Covid

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty du lịch Lửa Việt

Thế nhưng, đã hơn 1 tháng trôi qua, sự háo hức, phấn khích dần nhường chỗ cho những hoang mang, lo lắng bởi đến giờ phút này, loạt kế hoạch của DN đang đứng trước nguy cơ “bể kèo” vì hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành.

“Chính phủ đã bãi bỏ tất cả chính sách hạn chế đi lại, mở cửa bầu trời, cam kết lộ trình mở cửa hoàn toàn biên giới từ 15.3. DN tin tưởng vào cam kết này nên sẵn sàng “chơi” hết sức”, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, nói và cho biết thêm, giữa tháng 2, công ty đã chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư lớn hoàn chỉnh lại chợ đêm Dương Đông, sau khi đã mở cửa trở lại tổ hợp giải trí về đêm chợ đêm Phú Quốc Grand World, Saigon SeaFood Hub Market và NightZone 68 ở Phú Quốc United Center. DN này cũng chuẩn bị khởi động lại phố đêm ẩm thực – du lịch ở TP.Vũng Tàu vào tháng 4 tới, khởi động lại phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng ở Đà Nẵng vào cuối năm và đang làm việc với tỉnh Phú Yên đề xuất mở phố đi bộ chợ đêm tại Tuy Hòa. “Thế mà đến nay, mọi thứ vẫn mập mờ. Trước khi mở thì Bộ Y tế và Bộ VH-TT-DL bất đồng quan điểm quy định y tế, tới sát ngày thì những quy định vẫn dừng ở dấu hỏi chấm. Sự lúng túng và chậm trễ từ phía cơ quan quản lý không chỉ làm mất niềm tin từ cộng đồng DN mà các đối tác quốc tế cũng sẽ không còn tin tưởng vào những cam kết của VN. Nếu VN vẫn chần chừ không mở cửa, chúng tôi chết là chắc!”, ông Huỳnh Văn Sơn nói.

Đồng cảnh ngộ, Công ty du lịch Oxalis vừa phải chấp nhận hủy một chương trình marketing rất lớn có độ phủ lên tới gần 90 triệu người trên thế giới, chỉ vì VN vẫn chưa “chốt” ngày chính thức mở cửa. Chính phủ nói 15.3 nhưng những hướng dẫn vẫn còn đang nhùng nhằng giữa các bộ ngành, DN này muốn ký hợp đồng với đối tác bên Mỹ đưa khách qua VN cũng chưa thể thực hiện. “Du khách không đứng sẵn ngoài cửa chờ chúng ta. Để có thể mời gọi khách tới VN, DN cần rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để quảng bá, tiếp cận thị trường. Chính phủ đã quyết thì phải chốt ngay, chúng tôi không còn sức để đuổi theo sự thò thụt, chậm trễ của chính sách thêm nữa”, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis, nói thẳng.

Siết khách quốc tế, nới khách nội địa

Mai là ngày chính thức mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế nhưng những quan điểm về dịch tễ, quy định đối với du khách nhập cảnh giữa Bộ Y tế và Bộ VH-TT-DL chưa đồng nhất. Cụ thể, Bộ VH-TT-DL đề xuất điều kiện để khách du lịch được đến VN là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, không giới hạn đối tượng; Du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2, những người âm tính được tham gia các hoạt động du lịch… Trong khi đó, Bộ Y tế lại kiến nghị thêm hàng loạt quy định được đánh giá là “trói chân” du khách như bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ trước khi nhập cảnh; Phải ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Những người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền hạn chế đi du lịch…

“Khá kỳ lạ” là từ mà TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, dùng để đánh giá về những đề xuất của Bộ Y tế. Theo ông, quan điểm về dịch tễ và quy định chống dịch trong nước đang ngày càng thông thoáng, đến mức Bộ Y tế đã đề xuất cho F0 và F1 được đi làm. Thế nhưng, cũng chính Bộ Y tế lại đặt ra rất nhiều rào cản kỹ thuật nhằm kiểm soát khách du lịch quốc tế. “Thật sự không hiểu. Một số hãng thông tấn nước ngoài cũng đã bắt đầu nêu vấn đề phân biệt đối xử. Họ hỏi vì sao người VN được như thế mà dự kiến người nước ngoài vào lại đối xử một cách khác biệt đến mức như vậy? Chưa biết VN sẽ mở cửa thế nào nhưng có thể thấy trước mắt, sự bất nhất trong quan điểm chống dịch đã ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, trên thực tế, chương trình thí điểm đón khách quốc tế tại các địa phương gần như không còn tác dụng. Trong khi đó, việc mở cửa chính thức đến nay vẫn chưa rõ ràng nên cả ngành hàng không và du lịch đều đang hoang mang không biết làm thế nào. Du lịch không chủ động được kế hoạch để đón khách, hàng không đi trước mở đường từ 15.2, đến nay cũng ngày càng khốn khổ.

Các nước mở toang, VN “he hé”

Trước Covid-19, đối tượng khách du lịch chiếm tới 80% tổng lượng khách quốc tế của các hãng hàng không. Giờ các hãng đã bay thường lệ trở lại, nếu du lịch không mở thì coi như không có khách. Mở ra rồi thì phải bay mà bay không có khách thì còn lỗ hơn khi chưa mở.

Đáng nói, trong khi VN vẫn đang loay hoay trong kế hoạch mở cửa thì thế giới đã bắt đầu chiến dịch “du lịch trả thù” hậu Omicron với việc các quốc gia lần lượt mở cửa, miễn cách ly, thậm chí không cần giấy xét nghiệm âm tính. Mới nhất, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn và bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Theo đó, du khách quốc tế đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 nhập cảnh Malaysia không cần cách ly từ đầu tháng sau. Khách quốc tế nhập cảnh chỉ cần mang theo chứng nhận PCR âm tính được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước khi khởi hành. Họ cũng có thể sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ tính từ lúc nhập cảnh, để được phép đi khắp Malaysia.

Trước đó, Hàn Quốc cũng thông báo áp dụng chính sách mới từ ngày 21.3, cho phép khách nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được miễn cách ly khi nhập cảnh vào quốc gia này. Quy định xét nghiệm PCR cũng được nới lỏng, mọi người xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 hoặc thứ 7 sau khi nhập cảnh. Từ 16.3, Singapore sẽ triển khai “Làn đường đi lại đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19”, khôi phục đi lại hai chiều không có kiểm dịch với VN. Hay theo quy định nhập cảnh tại một số nước ở châu Âu và Mỹ, Ấn Độ, Dubai, Sri Lanka, Philippines… du khách chỉ cần kết quả test âm tính trước khi nhập cảnh và không phải cách ly. Riêng Thái Lan du lịch theo chương trình Test & Go, du khách phải test vào ngày đầu tiên, sau khi có kết quả âm tính sẽ được tự do đi tham quan nhưng từ 1.3, nước này cũng đã bỏ yêu cầu xét nghiệm lần thứ 2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh, thay vào đó là xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty du lịch Lửa Việt, nhìn nhận đang có sự cạnh tranh rất gay gắt trong ngành du lịch trên thế giới. Không còn là giai đoạn mở cửa, tiêu chí cạnh tranh hàng đầu hiện nay là sự thông thoáng trong quy định nhập cảnh và chất lượng, giá thành dịch vụ. Đơn cử, giá dịch vụ ngành du lịch hiện bị đẩy lên khá cao, tăng từ 20% trở lên. Các thị trường mua sắm chưa thể phục hồi, chuyển sang trải nghiệm, giá đắt hơn gấp đôi. Chi phí tăng chủ yếu là do bảo hiểm, xét nghiệm PCR, xuất nhập cảnh, giá xăng tăng… Song, thay vì ép hạ giá kích cầu, tour Dubai đổi vận chuyển từ hàng không Royal Brunei lên hàng không Emirates, đẳng cấp cao hơn; Kèm theo các điều kiện như khách dương tính trước lúc khởi hành, hủy tour được hoàn đủ tiền; Có công ty còn khuyến mãi thêm đưa đón sân bay miễn phí bằng đội xe riêng, miễn phí visa nếu bị từ chối, xét nghiệm PCR tại khách sạn (thay vì vào bệnh viện)…

“Nói vậy để thấy, các nước đã đi tới đâu rồi mà VN vẫn còn ngồi tranh cãi về quy định cách ly, quá lỗi thời. Sau hơn 2 năm du lịch đóng băng, để khôi phục hoạt động như trước dịch, cần rất nhiều thời gian và nhiều việc cấp bách phải làm. Trâu chậm thì uống nước đục. Nếu những chính sách cứ tiếp tục thò thụt, bất nhất như hiện nay, coi chừng mục tiêu sống chung với Covid sẽ trở thành chết chung với Covid”, vị này lo ngại.

Theo Hà Mai/TNO

 

Bình luận (0)