Người dân sống trong vùng sạt lở đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng nhà cửa, đất đai và cả tính mạng…
Sạt lở, nhiều căn nhà tại xã Nhơn Đức bị hỏng chân, có nguy cơ đổ nhào xuống sông |
Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, TP hiện có 47 điểm sạt lở (tăng 3 điểm so với năm 2015), trong đó có đến 31 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm mà người dân cũng như chính quyền địa phương lưu ý để bảo vệ tài sản và tính mạng.
Người dân sống trong bất an
Số điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch ngày một tăng khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực ít nhiều bị đảo lộn. “Diện tích đất vườn rộng hơn 2.000m2 nhưng trong 4 năm qua hàm ếch đã khoét sâu chỉ còn vài mét nữa là đến nhà”, bà Nguyễn Thị Thải (kênh Lộ, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) rầu rĩ.
Các vị trí sạt lở cấp độ đặc biệt nguy hiểm ở các địa phương như: huyện Cần Giờ (4 vị trí); Củ Chi (3 vị trí); Bình Chánh (2 vị trí), Q.2 (2 vị trí), Q.8 (1 vị trí), Q.Thủ Đức (2 vị trí), Bình Thạnh (3 vị trí)… Mặc dù chính quyền TP đã quan tâm đầu tư các dự án xây dựng kè chống sạt lở, tuy nhiên vì lý do khách quan, đến nay các vị trí sạt lở vẫn chưa được phủ khắp.
Khu vực bờ sông Thanh Đa (qua các P.26, 27 và 28, Q.Bình Thạnh) nhiều năm nay vẫn chưa di dời được các hộ dân nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm. “Chúng tôi đã làm hết cách, họ đánh cược tính mạng của họ và người thân với thiên tai. Từ thực tế, giải pháp tạm thời của địa phương hiện nay vẫn là vận động tuyên truyền người dân di dời, chủ động ứng phó khi có sự cố sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra sạt lở”, một cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận này thông tin.
Không chỉ những ngày mưa mà ngay cả ngày nắng ráo, cư dân xóm Đáy, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cũng mất ăn mất ngủ vì sạt lở bất cứ lúc nào. Mới có mấy cơn mưa đầu mùa mà tình trạng sạt lở dọc bờ sông đã khá nghiêm trọng. Hàng chục căn nhà tại đây có nguy cơ bị hà bá “nuốt chửng”, tuy nhiên người dân cũng chưa biết phải di dời đi đâu.
Bà Thải cho biết thêm: “Chính quyền địa phương liên tục vận động di dời, chuyển đến nơi ở mới. Cũng muốn đi để tìm một giấc ngủ ngon, không phải hồi hộp, thấp thỏm như nhiều năm nay nhưng nhà cửa đất đai mình bao năm ở đây, đi đâu bây giờ, rồi lấy cái gì mà ăn”.
Bán đảo Thanh Đa, Q.Bình Thạnh vị trí sạt lở tập trung ở các P.25, 26, 27 và 28. Nguy hiểm hơn so với một số địa phương khác là tại đây bị lở hàm ếch, trong khi dự án chống sạt lở thì đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh do vướng giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư. Nhắc đến chuyện di dời, giọng ông Nguyễn Văn Tài (P.27, Q.Bình Thạnh) thêm trĩu nặng: “Có chỗ đàng hoàng cũng đi chứ quá mệt mỏi rồi”.
Sẽ xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới
Mới đây, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã gửi văn bản đến các đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh rạch để có biện pháp đề phòng, ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Biển cảnh báo sạt lở đặt tại khu dân cư, thuộc P.27, Q.Bình Thạnh |
Theo kỹ sư Lâm Thành Phát, thời điểm tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, mực nước chân triều sẽ rút đến mức thấp nhất, đây là nguyên nhân chính gây hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch tại các vị trí hoàn toàn mới.
Một trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM là chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị”. Theo đó, mục tiêu của TP là đến năm 2025 sẽ di dời, giải tỏa khoảng 17.000 căn nhà nói trên. Trong đó, có khoảng 10.000 căn phải di dời, giải tỏa trong giai đoạn 2016-2020.
Và hơn ai hết, những người dân sống ở khu vực này đang ngày đêm mong muốn được di dời đến một nơi ở mới, giã từ ngày tháng vất vưởng chạy… sạt lở.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Trọng Tuấn, TP.HCM hiện có khoảng 17.000 căn nhà nằm ven và trên rạch cần phải di dời để đảm bảo an toàn tính mạng. Sở Xây dựng TP đã lập kế hoạch, phương án di dời theo chỉ đạo của UBND TP. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là thiếu kinh phí cũng như quỹ đất tái định cư và các chính sách đền bù kèm theo.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)