Sau khi Cục Xuất bản quyết định thu hồi “Sát thủ đầu mưng mủ”, dư luận càng xôn xao nhiều hơn về cuốn sách này. Nhiều ý kiến đã đặt ngược lại vấn đề: Cần phải nhìn nhận khách quan hơn về những “từ sống” trong tiếng Việt.
Càng cấm càng “nóng”
Ngay sau khi cuốn sách được phát hành và đến nay, khi đã có yêu cầu ngừng phát hành, thu hồi “Sát thủ đầu mưng mủ”, cư dân mạng vẫn “sôi sùng sục” vì cuốn sách này.
Trên phố sách Đinh Lễ, “Sát thủ đầu mưng mủ” vẫn được lùng sục mua rất nhiều. Chị Hoa, chủ một cửa hàng sách cho biết: “Càng cấm bọn trẻ càng muốn mua. Không ngày nào không có đứa đến hỏi, mà bây giờ có cả sách lậu rồi đấy”.
Không nói đến những bản scan vi phạm bản quyền được post nhan nhản, các diễn đàn bình luận rất nhiều về chủ đề này. Bên cạnh những ý kiến phản đối, coi đây là một sự tuyên truyền nhảm nhí, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, thể hiện sự xuống cấp về văn hóa thì lại có cả một luồng dư luận bảo vệ cuốn sách này. Thậm chí, trên mạng xã hội facebook còn có hẳn một Hội thích Sát thủ đầu mưng mủ (!)
Thành viên cuabo… chia sẻ: “Mình thấy các cơ quan nhà nước làm ầm ĩ chuyện này quá. Đơn giản chỉ là một cuốn sách giải trí và thật sự nó rất vui. Những câu nói trong sách chẳng có gì mới, không có gì xa lạ với giới trẻ thì sao có thể gọi là tuyên truyền ngôn ngữ phản cảm? Không những thế, hình minh họa lại rất thú vị”.
Cũng có cùng cảm nhận, thành viên hoangbik… có ý kiến: “"Ngất ngây con gà tây", "Phi công trẻ lái máy bay bà già", “Chán như con gián”, "Tự nhiên như cô tiên", “Cướp trên giàn mướp”… là những câu quá bình thường bây giờ rồi chứ phải tự tác giả nghĩ ra đâu”.
Thậm chí, ngay cả nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng chia sẻ trên mạng xã hội: “Vì có lệnh thu hối cuốn tranh biếm, minh họa cho những câu thành ngữ thời đại Internet có tên là “Sát thủ đầu mưng mủ”, nên tôi vội lên mạng tìm xem. Khi tìm được “cuốn sách” trên mạng, tôi xem ngấu nghiến mà quên là sách đang bị cấm. Xem xong, xem lại, vẫn thấy thích. Có thể nói, những câu thành ngữ mới trong cuốn sách tranh này là những câu Slogan thường gặp trên các trang blog cá nhân của thế hệ trẻ. Bởi đã Slogan thì nó phải ngắn gọn, và thể hiện một quan niệm nghiêm túc nhưng với giọng vui đùa và ngộ nghĩnh. Nếu những người lớn tuổi quen với việc vào mạng hay tham gia các diễn đàn mạng, thì sự khó chịu ban đầu sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho một tình cảm dễ thương chia sẻ”
Người lớn có cần phải nhìn nhận lại?
Bạn đọc Hoàng Hương bày tỏ quan điểm: Ngôn ngữ của một cộng đồng là ngôn ngữ sống, luôn sinh sôi và phát triển. Việc ghi lại những từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ mới ra đời từ cuộc sống, kể cả những tiếng lóng của giới trẻ có lẽ nên xem là một việc làm nghiêm túc. Trên thế giới, nhiều nhà ngôn ngữ, xã hội học của nhiều nước vẫn đang làm công việc ghi lại những ngôn ngữ mới phát sinh từ chính cuộc sống, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại vấn đề này.
Đặng Thu Hà (THPT Trần Phú) nêu ý kiến: Không nhất thiết sách in ra là phải triết lý, đứng từ phía những người trẻ như bọn em thì đây thực sự là một cuốn sách giải trí và không có gì là phản cảm. Tại sao người lớn không đón nhận ngôn ngữ của giới trẻ mà lại cấm đoán và có phải cứ cấm là cấm được đâu.
Bản thân họa sĩ Thành Phong cũng đã từng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều mà mọi người đang rất lo lắng là cuốn sách gây ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ, thì tại sao không hỏi ý kiến chính giới trẻ về cuốn sách này. Khi làm cuốn sách, chúng tôi đã ghi rõ trên đó là 15+, theo chúng tôi thì trên 15 tuổi là thanh niên đã có đủ nhận thức xã hội để tự mình có quan điểm về những vấn đề như thế này rồi. Chúng tôi tin độc giả trẻ hiểu được đâu là giải trí, đâu là phê phán”.
Theo Bạch Dương
(LaoDong)
Bình luận (0)