Hội nhậpThế giới 24h

“Sát thủ xuyên không” 13 tỉ năm giết chết cả một thiên hà

Tạp Chí Giáo Dục

Kính viễn vọng ALMA vừa bắt được hình ảnh rùng rợn gần 13 tỉ năm trước, trong đó những sợi khí tử thần đang "tàn sát" một thiên hà.

Thứ phun ra những sợi khí tốc độ cao khổng lồ là một chuẩn tinh – dạng lỗ đen quái vật cực sáng do đang ngấu nghiến vật chất – mang tên J2054-0005. Thiên hà "nạn nhân" đã mất khả năng hình thành sao do vụ tấn công tàn khốc.

"Sát thủ xuyên không" 13 tỉ năm giết chết cả một thiên hà- Ảnh 1.

Chuẩn tinh J2054-0005 tỏa sáng rực rỡ trong vũ trụ sơ khai và đang "tàn sát" một thiên hà. Ảnh: ALMA/ESO/NAOJ/NRAO

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal, những dòng khí phân tử này được làm từ oxy liên kết với hydro. Chúng là nhiên liệu chính cho sự hình thành sao.

Tuy nhiên, khi bộ lỗ đen phóng quá nhanh vào thiên hà, các ngôi sao đang phát triển có thể bị "bội thực". Điều đó khiến khả năng hình thành sao bị giảm mạnh trong khu vực có chuẩn tinh.

Theo Live Science, khoảnh khắc rùng mình nói trên được nắm bắt bởi Kính viễn vọng ALMA, một mạng lưới quan sát vô tuyến khổng lồ cực mạnh đặt tại Chile.

Với tầm nhìn "khủng", ALMA đã nhìn thẳng vào thế giới chỉ 900 triệu năm sau Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ. Vụ nổ Big Bang xảy ra vào khoảng hơn 13,8 tỉ năm trước.

Do ánh sáng cần có thời gian di chuyển tương ứng với khoảng cách, sự kiện tàn khốc nói trên là hình ảnh của 13 tỉ năm trước, ở nơi từng cách Trái Đất chừng ấy năm ánh sáng.

Trong thực tại, nếu thiên hà hoặc lỗ đen còn tồn tại, chúng đã bị đẩy đi rất xa do sự giãn nở của vũ trụ. Thậm chí khả năng cao hơn là cả hai đã biến mất từ lâu.

Tuy nhiên, nhờ độ trễ của hình ảnh được ghi nhận, ALMA vô tình để nhân loại thấy được nguyên vẹn những gì từng xảy ra ở vũ trụ sơ khai gần 13 tỉ năm trước.

Phát hiện mới từ ALMA có thể giải thích phần nào một số quan sát gần đây cho thấy vũ trụ sơ khai có khá nhiều thiên hà mờ nhạt trông như bóng ma. Rất có thể chúng đã bị các chuẩn tinh hoang dã trong vụ trụ 13 tỉ năm trước tấn công, dẫn đến hình thành sao kém.

Bên cạnh việc đẩy khí ra ngoài bằng những chùm ánh sáng mạnh, các chuẩn tinh còn có thể ném vật chất ở gần ra xa với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng nhờ tốc độ quay khủng khiếp.

Với tất cả các hiện tượng đã được xác nhận liên quan đến chuẩn tinh J2054-0005, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi PGS Dragan Salak từ Đại học Hokkaido (Nhật Bản) hy vọng giới thiên văn sẽ tìm kiếm được nhiều chuẩn tinh như vậy hơn trong tương lai, bằng các công cụ ngày một hiện đại.

Chúng sẽ giúp hiểu chi tiết hơn về trái tim tỏa sáng của các thiên hà đầu tiên trong vũ trụ, là những lỗ đen quái vật to lớn đến vô lý, làm lung lay các lý thuyết thiên văn lâu đời.

Theo Anh Thư/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)