Sự kiện giáo dụcTin tức

Sau 1,5 năm hội nhập WTO: Nhiều bất ngờ…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trong những bất ngờ mà các chuyên gia kinh tế đưa ra có những bất ngờ thú vị và cả những bất ngờ đáng lo ngại.

Bất ngờ là từ được TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), nhắc đến nhiều khi đánh giá về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sau 1,5 năm gia nhập WTO. Mặc dù khẳng định, về cơ bản, những gì đã và đang diễn ra là đúng với dự báo, nhưng quy mô của sự biến động đã vượt xa dự báo, khiến chúng ta bị động, phản ứng lúng túng, chậm chạp.

Nhập siêu kỷ lục – bất ngờ đáng lo ngại

Bất ngờ lớn nhất, đó là FDI của cả năm 2007, đặc biệt là 7 tháng 2008 đạt mức kỷ lục (7 tháng hơn 45 tỷ USD), bất chấp nền kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn với mức lạm phát tăng cao. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, vấn đề đặt ra hiện nay đối với FDI là có tạo ra năng lực ngoại tệ, quan hệ thương mại tốt giữa Việt Nam với các nước hay không? Nhiều cam kết bị trì hoãn do môi trường kinh tế vĩ mô của ta đang bất ổn và áp lực tăng lương. Về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng cho rằng, FDI vào nhiều chưa hẳn đã là mừng mà lo nhiều hơn. Lo vì có rất nhiều dự án khổng lồ cam kết vào Việt Nam sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ đối với môi trường nước ta; lo vì liệu chúng ta có chuẩn bị đủ nguồn lực để tiếp nhận được những dự án khổng lồ này không (chuẩn bị không đơn thuần về mặt cơ sở hạ tầng, mà là chuẩn bị về đội ngũ quản trị, lãnh đạo địa phương), hay họ sẽ “bê” hết bộ máy của họ vào, chỉ tận dụng nguồn đất ưu đãi của Việt Nam.

Bất ngờ thứ hai chính là tỷ lệ nhập siêu đã đạt tới con số khổng lồ. Chỉ riêng 6 tháng 2008 đã là 14,8 tỷ USD, bằng cả năm 2007. “Điểm đáng chú ý trong nhập siêu là tỷ lệ nhập hàng tiêu dùng tăng mạnh. Nhập khẩu vàng tăng gấp đôi năm ngoái với 2,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vàng lớn thứ hai thế giới” – TS Võ Trí Thành cho biết.

Cùng chung quan điểm này, bà Phạm Chi Lan lo lắng: “Nhập siêu đã trở thành vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhập siêu cao không hẳn do tác động của việc gia nhập WTO mà phần lớn do những ham muốn đầu tư không chính đáng của ta. Nếu không giải quyết được căn bệnh này thì nhập siêu sẽ còn là câu chuyện dài”.

Bà Phạm Chi LanSự phát triển rầm rộ của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính cũng là một bất ngờ. Song hành với sự phát triển sôi động này là những rủi ro tăng cao. Nguyên nhân chính được TS Thành đưa ra là do hoạt động giám sát của ta còn yếu kém. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chỉ chạy theo xử lý tình huống mà quên việc xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cho toàn ngành. Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – NHNN cho rằng, do dòng vốn vào Việt Nam quá nhiều, gây áp lực về tổng phương tiện thanh toán, trong khi khả năng kiểm soát của ta kém đã dẫn đến tình trạng các ngân hàng mở rộng tín dụng, gây áp lực lên tỷ lệ lạm phát.

Trong số những bất ngờ đáng ngại, cũng có một bất ngờ thú vị, đó là không xảy ra tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam phá sản hàng loạt trong những năm đầu gia nhập WTO như dự đoán trước đó. Theo ông Thành, nguyên nhân một phần nằm ở sự linh hoạt của các doanh nghiệp trước tình hình mới.

Nhân lực – điểm nghẽn tăng trưởng

Một bất ngờ nữa được TS Thành nhắc đến, đó là gia nhập WTO chưa tạo ra nhiều việc làm như kỳ vọng ban đầu, do các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu ít tạo ra việc làm. Năm 2007, số lao động có việc làm tăng 2,3% so với năm 2006 (con số này của năm 2006 là 2,7%). Việc làm chủ yếu được tạo ra ở lĩnh vực bán lẻ và tài chính. Chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập là vấn đề gây bức xúc hiện nay, thậm chí, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển còn gọi nguồn nhân lực chính là “điểm nghẽn tăng trưởng lớn nhất hiện nay”. Theo ông Tuyển, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, tất cả đều là khả biến, chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có giá trị bất biến, không gì thay thế được. TS Thành cũng khẳng định, sự hụt hẫng về kỹ năng nguồn nhân lực đã cản trở sự chủ động hội nhập và tăng trưởng nhanh, chất lượng và bền vững của Việt Nam. Chia sẻ quan điểm này, ông Đào Quang Vinh, Bộ Lao động TB&XH, cho rằng, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách tiền lương hiện nay thì sẽ không có sự phân bổ lao động hợp lý, sẽ còn đình công, còn chảy máu chất xám. Tình trạng hàng loạt công chức Nhà nước bỏ việc ra ngoài làm trong thời gian gần đây chính là hồi chuông báo động cho điều này.

Mặt khác, theo TS Thành, việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế VN. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp. Thị trường tài chính, ngân hàng tuy ầm ĩ nhưng thực đóng góp vào GDP không đáng kể (<2%). Khu vực nông nghiệp gần như chững lại, tiềm năng đã cạn kiệt, nếu không có những cải tiến căn bản, rất khó vượt qua mức tăng 4%/năm. Điểm rất đáng chú ý là Việt Nam có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn thu nhập, thể hiện ở tỷ lệ tiết kiệm nội địa không tăng (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ đầu tư xã hội quá cao (44%), nên phải dựa nhiều hơn vào nguồn vốn bên ngoài, rủi ro cao./.

Bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế cao cấp: 5 bài học hữu ích

1,5 năm gia nhập WTO, chúng ta có thể rút ra 5 bài học hữu ích. Thứ nhất là, bài học về tư duy hội nhập và cải cách kinh tế: Phương châm của chúng ta là chủ động hội nhập nhưng thực sự chúng ta đã chủ động chưa? FDI vào với quy mô như thời gian qua là ta bị động. Hay nhập siêu cũng vậy, tuy ta chủ động nhập nhưng cũng là trong thế bị động.


Thứ hai là, chuẩn bị năng lực trong hội nhập. Từ trước tới nay, ta chưa tập trung cho vấn đề này nên tận dụng cơ hội chỉ có mức độ, còn đối phó với thách thức thì yếu kém (dẫn chứng là các nước khác cũng chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới giống ta nhưng bị ảnh hưởng ít hơn). Sự chuẩn bị cho doanh nghiệp và người dân rất quan trọng nhưng ta chưa làm được. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như còn đứng ngoài cuộc.


Thứ ba là, tận dụng sức dân. Chúng ta chưa chú ý sử dụng tốt nguồn nhân lực trong nước. Chưa có sự phân bố nguồn lực hợp lý (thời gian qua, nguồn lực tập trung quá nhiều vào một vài “đại gia” tập đoàn sử dụng không hiệu quả). Người dân có phần nào đó bị bỏ mặc tự bươn trải trong WTO.


Thứ tư là, lường trước và điều chỉnh lại quy hoạch của mình trong tình hình tất cả đều là khả biến. Không thể bám mãi vào một vài nghị quyết, chương trình hành động được, mà phải có sự điều chỉnh linh hoạt, hợp lý, tuỳ thuộc vào tình hình.


Thứ năm là công tác thông tin và nghiên cứu. Trước nay, ta mới chỉ nặng về tuyên truyền mà ít thông tin nên hiểu biết về sự gia nhập WTO của nhiều thành phần còn lơ mơ./.

Thành Huy (theo VOVNews)

Bình luận (0)