Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sau 1 năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Thách thức vẫn còn

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Hội thảo “Nhìn lại 1 năm triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/7, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết hiện còn rất hạn chế nhưng bước đầu cho thấy, người tiêu dùng đã ý thức được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, trong lúc chờ các nội dung của luật thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu ứng tích cực, các doanh nghiệp phải tìm cách “cứu mình” trước nạn hàng giả, hàng nhái đang tung hoành.

Triển khai còn lúng túng
Theo Bộ Công Thương, năm 2011 có hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương, gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh. Số vụ việc trên còn rất hạn chế nhưng cũng cho thấy, bước đầu NTD đã ý thức được việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Lực lượng Quản lý thị trường thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) kiểm kê hàng giả bị thu giữ. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NTD khi phản ánh các vụ việc vi phạm trên thực tế, Bộ Công Thương đã vận hành thử nghiệm Hệ thống tiếp nhận phản ánh của NTD bằng điện thoại (Call Center). NTD, các tổ chức, xã hội tham gia công tác bảo vệ NTD có thể nhanh chóng phản ánh các thông tin, vụ việc ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kịp thời giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho NTD. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và chạy thử nghiệm trang thông tin điện tử riêng về bảo vệ NTD. Cùng với chức năng là nơi truyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, trang thông tin này cũng cho phép NTD được quyền gửi các yêu cầu, phản ánh về những vấn đề liên quan một cách nhanh nhất…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng thừa nhận: Sau 1 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn những hạn chế.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: Hiện nay, hoạt động của các Sở Công Thương còn nhiều bất cập. Theo quy định, Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi của NTD trên phạm vi tỉnh. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Không những thế, việc giao chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cho các đơn vị chuyên môn tại mỗi nơi cũng có nhiều điểm khác nhau, có nơi giao cho Chi cục Quản lý thị trường (như ở tỉnh Hải Dương), có nơi giao Phòng Quản lý thương mại (như ở Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An)… Chính vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên và nghiêm túc…

Doanh nghiệp “cứu mình” cũng là bảo vệ người tiêu dùng
Trong lúc chờ các nội dung của luật đi vào cuộc sống có hiệu quả hơn, các cơ quan, ban, ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn thì thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) làm ăn nghiêm túc đã phải tìm mọi cách để “cứu mình”.
Ông Đặng Đức Dũng – Tổng giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Tập đoàn Kangaroo) cho biết: Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tung hoành khiến những DN có thương hiệu phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Dũng, Kangaroo đã đầu tư nhiều chi phí, công sức vào công tác đổi mới sản phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ người bán hàng đến hệ thống các cửa hàng chăm sóc khách hàng để chống lại nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên “Nếu một DN chỉ cần nhái khác chữ hoặc một chi tiết trên bao bì thì DN đó có thể tiêu thụ được hàng nghìn sản phẩm trong khi khách hàng ưa chuộng sản phẩm của Kangaroo lại thiệt thòi. Tập đoàn đã hợp tác với Hội DN trẻ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD để trao đổi thông tin cũng như tìm các biện pháp đối phó hữu hiệu nhất”, ông Dũng nói.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức về việc sản phẩm lọc nước RO của Kangaroo đang bị làm nhái trên thị trường, đại diện Tập đoàn này cho rằng: Do tính năng thiết kế máy lọc nước RO nhỏ gọn, dễ lắp đặt, bảo dưỡng, dễ thay thế linh phụ kiện nên một số hợp tác xã, DN đã tìm cách làm giả. Kangaroo chỉ còn cách tuyên truyền cho NTD nhận biết được thương hiệu, sản phẩm để NTD không bị lừa.
Ông Morita Nguyễn, Giám đốc bán hàng của Tập đoàn Lixil Inax Việt Nam cho biết: Để bảo vệ chính mình và NTD, Inax đã lập đường dây nóng để tư vấn, bảo hành sản phẩm cho khách hàng; giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm một cách tốt nhất. "Bức xúc của tôi hiện nay là cơ chế xử phạt hàng giả còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ví dụ trong quá trình 1 năm xử lý sản phẩm sứ vệ sinh giả thì khoảng thời gian đó, hàng giả vẫn tràn lan ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất hàng giả có thể bán được tới hàng tỷ đồng doanh thu. Đến khi phạt, họ chỉ phải nộp 15 triệu đồng. Như vậy là bất công”, ông Morita Nguyễn nói.

Minh Phương
Theo báo Tin Tức

Bình luận (0)