Theo quy định, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển sinh Đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) từ 1/4 đến 20/4. Sau một tuần đăng ký, ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, thí sinh còn rất nhiều lúng túng trong khai phiếu đăng ký dự thi năm nay.
Suốt một tuần qua, PV Tiền Phong ghi nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan đến việc khai trên phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Vấn đề thí sinh băn khoăn nhiều nhất, đó là nếu thi cả hai bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) mà có một môn thi bị điểm liệt thì không biết có trượt tốt nghiệp không.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với thí sinh đang học lớp 12 THPT, hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên có thể chọn cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH để thi. Tuy nhiên, điểm bài thi nào cao thì sẽ lấy để xét tốt nghiệp. Vì vậy, thí sinh không cần phải lo lắng khi chọn hai bài thi tổ hợp.
Nhưng ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh nếu đã chọn thi cả hai bài tổ hợp thì sẽ phải dự thi cả hai bài. Nếu bỏ một bài nào đó, thí sinh coi như trượt tốt nghiệp. Do đó, ông Nghĩa khuyên thí sinh cần suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi chọn thi cả hai bài tổ hợp.
Một nội dung nữa mà các thí sinh đang rất băn khoăn, đó là có được phép đăng ký nhiều tổ hợp môn để xét tuyển trong một ngành hoặc đăng ký nhiều ngành trong một trường hay không? Trả lời thắc mắc này của thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng về nguyên tắc, năm nay Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không giới hạn số trường.
Thực tế, các trường ĐH thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. “Tuy nhiên, phải lưu ý. Mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng; Nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà thí sinh có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn.
Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp là một nguyện vọng. Khi đăng ký xét tuyển, ngay từ đầu, thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, trong thời gian từ 1/4 đến 20/4, thí sinh có quyền điều chỉnh lựa chọn bài thi tổ hợp. Thí sinh liên hệ với nơi nhận hồ sơ để đề nghị điều chỉnh. Hết thời gian trên, thí sinh không có quyền điều chỉnh nữa.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, tuần đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, học sinh và thí sinh tự do còn rất nhiều lúng túng. Thậm chí ngay tại một trường THPT lớn của Hà Nội, nhiều học sinh còn đăng ký đến 20 nguyện vọng vì nghĩ không phải nộp lệ phí xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Rất nhiều thí sinh tự do băn khoăn không biết năm nay làm hồ sơ, nộp hồ sơ, bảo lưu kết quả như thế nào.
Không nên đăng ký thi cả hai bài tổ hợp
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tuần này trường hướng dẫn cho học sinh lớp 12 khai phiếu đăng ký dự thi, đầu tuần tới sẽ tiến hành thu hồ sơ. Năm nay, trường có 460 học sinh lớp 12, trong đó, có 62% học sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN và 38% chọn bài thi KHXH.
“Trường không có thí sinh nào đăng ký chọn cả hai bài thi tổ hợp. Trước cũng có một số em có ý định, nhưng các thầy cô đều khuyên các em nên chọn một bài thi để tập trung ôn thi và đạt kết quả tốt nhất. Các em không nên chọn thi cả hai bài thi. Vì sẽ rất mệt và không tập trung ôn tập được” – cô Nhiếp nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay trường có 180 học sinh lớp 12. Trong số này có tới 70% học sinh chọn bài thi KHXH, còn 30% chọn bài thi KHTN. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ Bộ cho phép thí sinh có thể chọn cả hai bài thi tổ hợp để thi là có lợi chọ học sinh. Nhưng qua nghiên cứu thực tế, thì chúng tôi thấy không ổn.
Vì có những thí sinh sẽ đăng ký bừa. Đến lúc thi, các em làm xong một bài tổ hợp rồi, không thích thi bài tổ hợp kia nữa, lại bỏ thi mà theo quy định của Bộ, như thế là trượt tốt nghiệp. Vì vậy, chúng tôi nhắc học sinh của mình chỉ nên chọn một bài thi tổ hợp” – thầy Tùng Lâm cho hay.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho hay, hầu hết học sinh THPT và năm cuối THCS của Hà Nội cũng đã tham gia các buổi nói chuyện về nghề nghiệp. Các em đã có những định hướng nhất định. “Năm nay nguyện vọng đăng ký mở. Chúng tôi khuyên các em không nên lựa chọn quá nhiều nguyện vọng mà hãy tập trung vào những nguyện vọng sát với nghề nghiệp tương lai của mình.
Nếu phân tán quá, cuối cùng lại không lựa chọn được trường, nghề mà mình mong muốn, thậm chí các em lại vào trường không yêu thích, học chỉ để lấy một cái bằng. Chúng tôi khuyên các em không nên như thế mà phải học để lấy một cái nghề sau này ra làm việc” – thầy Bình nói.
Sai mã ngành xét tuyển trong cẩm nang tuyển sinh
Nhiều mã ngành của một số trường đại học trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị sai thông tin so với thông tin các trường công bố trên trang web và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT khiến học sinh hoang mang.
Ngày 7/4, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xác nhận với phóng viên nhiều mã ngành trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017” bị sai mã ngành – so với thông tin các trường công bố trên trang web và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
Ông Tùng cho biết, toàn bộ thông tin trong cuốn sách được cập nhật đến ngày 20/3 trên cơ sở thông tin đã công bố trên các phương tiện truyền thông do các đại học, học viện, cao đẳng trong toàn quốc chịu trách nhiệm.
Cũng theo ông Tùng, để tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi trong xét tuyển, thí sinh cần cập nhật thông tin được công khai trên trang thông tin của trường và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
Trước đó, nhiều thí sinh và học sinh lớp 12 tìm thông tin tuyển sinh đại học tại TPHCM tỏ ra lo lắng khi phát hiện mã ngành một số trường in trong cuốn cẩm nang khác với thông tin được công bố.
Nguyễn Dũng
Nghiêm Huê (TPO)
Bình luận (0)