Ngày 13-10, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết số liệu cuộc điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được công bố tháng 10-2015 thì thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độ giảm chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Theo đó, tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ <5 tuổi là 13%, không đổi suốt 20 năm qua, dù mỗi năm các địa phương vẫn đều đặn tổ chức hai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ. Trong khi đó, tỉ lệ bà mẹ đang cho con bú có hàm lượng vitamin A sữa mẹ chỉ đạt 34,8%.
Ngoài ra, Viện Dinh dưỡng cũng cho biết tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữ có thai là 32,8%.
Theo Viện Dinh dưỡng tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới năm tuổi ở Việt Nam không giảm trong 20 năm qua là do tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp. Nhiều bà mẹ chưa được bổ sung đầy đủ vitamin A trong vòng một tháng sau đẻ cũng như khẩu phần ăn của bà mẹ mang thai và cho con bú chưa đủ vi chất dinh dưỡng.
Trong khi đó, chỉ có nhóm trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được bổ sung miễn phí vitamin A hai lần trong năm. Nhiều nhóm trẻ ở độ tuổi khác cũng cần được bổ sung vitamin A nhưng chưa thể đáp ứng do nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, việc trẻ nhiễm giun và mắc bệnh truyền nhiễm cũng dẫn đến tình trạng thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa và các rối loạn chuyển hóa khác.
Tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em là 63,6%; hơn 54% đối với phụ nữ có thai. Tỉ lệ thiếu sắt ở trẻ em là hơn 50%, hơn 47% ở phụ nữ có thai. Đặc biệt cả phụ nữ và trẻ em đều thiếu kẽm nặng, đều ở mức trên 60%, đặc biệt là phụ nữ có thai tỉ lệ thiếu kẽm trên 80%.
Theo PLO
Bình luận (0)