Để ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa, nhất là thực phẩm thiết yếu sau bão số 3; thời gian qua ngành công thương tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ đã tăng cường cung ứng hàng hóa ra thị trường, đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường…
Siêu thị giữ giá, chợ tăng nhẹ
Chị Trần Thanh Vân (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là nơi đón cơn bão số 3 sớm nhất. Quảng Ninh cũng chịu thiệt hại rất nghiêm trọng từ cơn bão này. Người dân ai cũng lo lắng, sau bão thì thực phẩm thiết yếu sẽ khan hiếm và tăng giá. Tuy nhiên, từ ngày 10-9 tôi bắt đầu đi siêu thị thì thấy rau củ quả, thịt cá khá là dồi dào. Giá cả hầu như không tăng. Còn tại các chợ nhỏ, giá có tăng nhưng không nhiều, chỉ một số loại rau xanh tăng nhiều…”.
Chị Nguyễn Ngọc Hương (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Trước khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, nhiều người dân Hà Nội đã đi siêu thị mua một lượng lớn thực phẩm để tích trữ. Theo đó có những thời điểm, các mặt hàng thiết yếu không được đầy đủ mặc dù giá cả thì vẫn vậy. Sau bão, tôi cũng khá lo lắng tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Ngày 11-9, tôi mới bắt đầu đi siêu thị, thật ngạc nhiên là hàng hóa lại đầy ắp, giá cả hầu như không tăng. Hàng hóa ở chợ không thiếu nhưng giá có tăng. Tuy nhiên mức tăng này có thể chấp nhận được…”.
Theo Bộ Công thương, qua tổng hợp báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa từ sở công thương các tỉnh, thành cho thấy: Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được đảm bảo, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại vẫn được giữ ổn định; còn tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau củ quả, thịt heo, mì có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, sở công thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mì, lương khô, bánh mì, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Công thương Quảng Ninh, tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10-15% so với thời điểm trước bão.
Tại Hải Phòng, Sở Công thương cho hay, tại các chợ, mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả nguồn cung dồi dào; tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80-100% (chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu), giá ổn định so với ngày thường…
Tại Yên Bái, do ngập sâu cục bộ tại TP.Yên Bái nên công tác vận chuyển hàng hóa đi các huyện gặp khó khăn, song hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15-20%.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành thì những ngày sau bão, tại một số siêu thị vẫn ghi nhận tình trạng người dân mua tích trữ lương thực, thực phẩm với số lượng lớn. Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo, người dân dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết…
Người dân không nên lo thiếu hàng
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đại diện Co.opmart thông tin, trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Co.opmart đã tập trung toàn lực, nhanh chóng vận chuyển hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định và bình ổn giá để san sẻ cùng bà con khu vực miền Bắc.
Tại Trung tâm phân phối miền Bắc đã chủ động tăng cường tần suất vận chuyển hàng hóa cung ứng cho siêu thị, hoạt động liên tục 24/24. Trung bình 2-3 giờ lại có chuyến xe từ trung tâm chở hàng hóa thiết yếu đến các siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food. Đặc biệt tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 3 như Hà Nội, Hải Phòng…, Trung tâm phân phối miền Bắc đã chủ động thực hiện 3 tại chỗ và tăng cường nguồn hàng, nhân sự, dịch vụ giao hàng tận nơi để bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và sự an toàn cho người dân trên địa bàn siêu thị trú đóng.
Theo đó các đơn vị đã dự trữ số lượng lớn các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, các loại lương khô, đồ hộp, nước tinh khiết… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân.
Nhằm ổn định thị trường sau bão số 3, Bộ Công thương đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở công thương, cục quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý
Tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cũng đã yêu cầu các đội quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, nắm bắt, giám sát để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão số 3 gây ra để thu lời bất chính. Đặc biệt khi thị trường có biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu, hàng hóa, vật tư, thiết bị trên địa bàn thì phải báo cáo ngay với lãnh đạo cục để có giải pháp xử lý…
Tại Quảng Ninh, lực lượng quản lý thị trường đã tới các hộ kinh doanh yêu cầu ký cam kết không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; hàng hóa kinh doanh rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nhãn hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Nghiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình – cho biết, ông vừa làm Trưởng đoàn công tác đi giám sát tình hình thị trường tại một số siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, các tấm tôn lợp, nhôm, ống hộp, sắt thép tổng hợp. Đến thời điểm hiện tại, qua công tác giám sát, tình hình thị trường cơ bản ổn định, hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu vẫn đảm bảo đủ nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý…
Đức Việt
Bình luận (0)