Chỉ trong một thời gian ngắn, khúc ruột miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 4, 5, 6. Nước ngập sâu và nhấn chìm rất nhiều tài sản của người dân, công sở, trường học. Nhiều người dân khóc ròng vì chỉ một đêm đã trở thành trắng tay… Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là trận lụt kinh hoàng đêm 14-10.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hỏi thăm động viên bà con thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bị thiệt hại nặng do bão lụt
Một đêm mất trắng 1.486,505 tỷ đồng
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – cho biết, trong trận lụt đêm 14-10 vừa qua, 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 – 1m, có nơi ngập đến 2m, có gần 70.000 nhà dân bị ngập nước. Toàn thành phố đã sơ tán, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho hơn 14.000 người.
Lũ lụt đã làm 4 người chết, 1 nhà sụp hoàn toàn; sập một phần 28 nhà. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều hư hỏng các thiết bị dân dụng như ti vi, tủ lạnh, quạt máy, bàn ghế, giường, tủ; hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe bị ngâm nước. Nhiều máy móc trang thiết bị sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hư hỏng. Khoảng 74,22 ha rau màu bị ngập úng; nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; gia súc gia cầm trôi, chết gần 60.000 con. Đặc biệt 14 trường học trên địa bàn bị ngập, thiệt hại hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học. Hàng trăm ngôi mộ tại Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bị đất đá từ sạt lở núi vùi lấp. Thiệt hại tài sản trong dân, doanh nghiệp trên 2.000 xe ô tô và trên 30.000 xe máy bị ngập nước… Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 1.486,505 tỷ đồng.
“Sau lũ, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các sở ngành, quận, huyện và chỉ đạo khẩn trương triển khai biện pháp khắc phục hậu quả của mưa bão, lũ lụt nhằm ổn định cuộc sống nhân dân”, ông Chinh – nói.
Cần hỗ trợ tốt nhất cho người dân
Nhằm giúp chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nhanh chóng ổn định công việc và cuộc sống sau những thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra, mới đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Chủ tịch nước biểu dương chính quyền Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, các sở ngành chức năng, lực lượng vũ trang và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả. Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng… đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. Đặc biệt là chia sẻ với TP.Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất, thiệt hại lớn nhất về người và tài sản.
Chủ tịch nước nhìn nhận, qua đợt lũ, tại Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của cán bộ chiến sĩ quân đội, công an và nhiều người dân. Sự xông pha, hỗ trợ tích cực đó rất đáng quý. Các ngành khác như điện lực, tài nguyên môi trường, giao thông cũng có nhiều nỗ lực, phấn đấu khắc phục hậu quả rất kịp thời, ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân.
“Hiện đường phố Đà Nẵng vẫn còn bề bộn, ngổn ngang, cuộc sống bà con còn xáo trộn. Vì vậy, chính quyền TP và các ngành ngoài việc tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, cần phải hỗ trợ tốt nhất cho bà con, không được để ai thiếu đói, sớm đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường. Cùng với đó, khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, sạt lở đất đá; ổn định cơ sở trường học cho các em đến trường. Tinh thần là phải cứu trợ nhanh nhất, công khai nhất; không để thiếu sót trong khâu cứu trợ, hỗ trợ nhân dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sách, thiết bị dạy và học hư hỏng nặng Nằm ở địa bàn vùng thấp trũng, hầu hết các trường học trên địa bàn quận Thanh Khê đều bị thiệt hại sau trận lụt. Nặng nhất là Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng. Với mực nước sâu 1m đã khiến toàn bộ thiết bị, đồ dùng dạy học tại các phòng chức năng, máy tính, hồ sơ sổ sách khối văn phòng hư hỏng nặng. Cụ thể, Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ có 296 bộ sách giáo khoa, vở của học sinh 5 khối lớp tại tầng 1 bị ngâm nước. Theo lãnh đạo nhà trường, hiện trường động viên Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ để học sinh có đầy đủ sách vở tiếp tục học. Cùng với đó, các giáo viên chủ nhiệm gửi bài giảng điện tử qua kênh Zalo cho phụ huynh để học sinh có thể tham khảo thêm khi học bài ở nhà, trong lúc chưa có sách giáo khoa. Bà Hoàng Thị Chinh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê – cho biết, thống kê trên địa bàn có 1.096 em học sinh tiểu học và THCS bị ướt sách vở. Đơn vị đã chỉ đạo các trường học chủ động phương án hỗ trợ học sinh bắt nhịp trở lại với việc học, đảm bảo chương trình. Ngoài ra, với những gia đình học sinh có điều kiện về thiết bị công nghệ, có thể tạm thời sử dụng sách giáo khoa điện tử tại trang web của các nhà xuất bản. Tại huyện Hòa Vang, mực nước ngập sâu cũng khiến nhiều trường học bị hư hỏng thiết bị. Đơn cử như Trường Tiểu học số 1 Hòa Sơn bị hư hỏng 40 bộ máy tính, bàn ghế; Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên bị hư hỏng 40 bộ máy tính, bàn ghế và 9 máy tính của giáo viên; Trường Tiểu học Lâm Quang Thự hỏng 2 ti vi; Trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn (điểm trường Phước Hưng) hỏng 1 ti vi… Thống kê của Phòng GD-ĐT Hòa Vang cho biết, hiện các trường trên địa bàn cần 531 bộ sách giáo khoa và 458 sách tiếng Anh của các khối lớp 1-2-3. Ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng – cho biết: “Để đảm bảo cho việc dạy học sau lũ, Sở GD-ĐT đã liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị được hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh bị trôi, ướt sách trong trận lũ vừa qua. Sở cũng đề nghị các trường chủ động huy động nguồn lực để có thể hỗ trợ kịp thời, khắc phục sớm nhất có thể”. |
Về lâu dài, Chủ tịch nước yêu cầu, cần chú trọng đến công tác dự báo mưa bão, đồng thời tính toán quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước tốt hơn, tuyên truyền mạnh để người dân chủ động phòng ngừa.
Chủ tịch nước cũng cho biết đoàn công tác sẽ tính toán hỗ trợ với mục tiêu ổn định sớm nhất cuộc sống cho nhân dân. Chủ tịch nước cũng kêu gọi các ngành, các nhà tài trợ, tổ chức cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi người dân hãy cùng chung tay hỗ trợ để nhân dân vùng lũ lụt sớm ổn định cuộc sống.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đã tặng 20 căn nhà; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng 20 căn nhà; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng 10 căn; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 300 thùng hàng và 300 triệu đồng (tổng cộng 480 triệu đồng); Bộ GD-ĐT tặng 4.000 bộ sách giáo khoa; Tập đoàn Điện lực hỗ trợ 2 tỷ đồng; Điện lực Miền Trung hỗ trợ 500 triệu đồng cho nhân dân Đà Nẵng.
Hàn Giang
Bình luận (0)