Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đánh giá sơ bộ tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, ước tính có khoảng 160.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, các tổ chức tín dụng đồng loạt giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ…
Không thu nợ bằng mọi cách
Đây là chỉ đạo của ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – khi làm việc với các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh – 2 địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề của cơn bão số 3.
Tại buổi làm việc, báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại của khách hàng sau bão, ông Nguyễn Đức Hiển – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh – thông tin, qua nắm bắt nhanh của các ngân hàng trên địa bàn, có tổng số gần 11.100 khách hàng, với tổng dư nợ khoảng 11.000 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 để lại; có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).
Còn tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP – cho biết, có hơn 890 khách hàng với tổng dư nợ hơn 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…
Ông Lê Duy Hải – Phó Tổng Giám đốc VietinBank – cũng cho biết, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – thông tin, ước tính sơ bộ có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Riêng tại Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Theo bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Agribank, thống kê ban đầu, Agribank có hơn 12.000 khách hàng với dư nợ khoảng 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ lụt sau bão…
Từ thực tế này, ông Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Đồng thời, trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…
Nhiều ngân hàng giảm lãi vay tới 2%/năm
Sau bão số 3, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất – kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh… Theo đó, đến nay đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405 ngàn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%. Đơn cử như Agribank giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, lũ lụt từ 0,5% – 2%/năm so với lãi suất đang áp dụng…
Hay như Vietcombank, từ nay đến 31-12-2024 giảm lãi suất 0,5% đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng. Số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.
Ở nhóm ngoài quốc doanh, nhiều ngân hàng đã giảm lãi vay cho người dân và doanh nghiệp.
TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, giữ cố định mức lãi suất giảm này đến 31-1-2025 với hạn mức khoảng 2.000 tỷ đồng. Phạm vi chương trình hỗ trợ lãi suất của TPBank áp dụng cho các tỉnh, thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ do bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai…
Từ ngày 13-9 đến hết ngày 31-12-2024, VPBank giảm lãi suất 1% cho các khoản vay trung và dài hạn, 0,5% cho các khoản vay ngắn hạn áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3… Từ ngày 12-9, MSB giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ với thời gian vay lên đến 60 tháng. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay đa dạng như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại…
ACB cũng giảm lãi suất từ 1-2% cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ bão. Đặc biệt, ACB áp dụng mức lãi suất chỉ 6% cho các khoản vay mới, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khôi phục sản xuất, ổn định hoạt động sau bão.
VPBank giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn và giảm 0,5% đối với khoản vay ngắn hạn cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Chương trình hỗ trợ được triển khai từ ngày 13-9 đến hết ngày 31-12-2024.
Eximbank giảm thêm 1% lãi suất trong tháng đầu tiên đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp dụng theo chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng cho các khoản vay ngắn hạn. Với khoản vay trung và dài hạn, Eximbank miễn lãi suất 0% trong 2 tháng đầu tiên và lãi suất cố định 7,49%/năm cho 10 tháng tiếp theo. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và cá nhân, Eximbank áp dụng mức lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, xuống còn từ 4,75%/năm cho các khoản vay ngắn hạn.
Từ ngày 16-9, BVBank giảm lãi suất vay đến 2%/năm, đồng thời cơ cấu nợ hoặc gia hạn thời gian trả lãi, gốc cho khách hàng hiện hữu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão lũ. Quy mô chương trình lên đến 2.000 tỷ đồng, áp dụng tối đa 3 tháng cho các khách hàng vay vốn tại BVBank. Bên cạnh đó, BVBank cấp thêm hoặc cấp mới cho khách hàng có nhu cầu mua sắm, sửa chữa nhà cửa hoặc phục hồi các hoạt động kinh doanh với mức giảm thêm 0,5%/năm, tối đa 3 tháng so với lãi suất cho vay đã ưu đãi thông thường…
Đức Chiến
Bình luận (0)