Đề tài tiến sĩ 322 nóng trên khắp các diễn đàn mạng, thậm chí có diễn đàn còn đề nghị những người điều hành không khóa chủ đề này vì đây thực sự là một điều nhức nhối cho xã hội.
Trên nhiều diễn đàn, các ý kiến đều đặt ra câu hỏi: Những tiến sĩ 322 dùng tiền của dân để đi học, vậy mà khi trở về không thực hiện cam kết thì có đáng bị lên án hay không?
Có những ý kiến băn khoăn về mục tiêu đào tạo tiến sĩ 322 có lãng phí tiền của vào lượng lớn chất xám ảo khi mà xã hội được hưởng lợi rất ít từ các tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ, bằng chứng là số lượng thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư ngày càng tăng ở Việt Nam mà tốc độ tụt hậu cũng tăng theo?
Đó là chưa kể, việc sử dụng tiến sĩ khi trở về như thế nào mới là quan trọng nhất.
Trên một diễn đàn, thành viên KHOA chia sẻ: "Các bạn học tiến sĩ xong không biết có hiểu được rằng mục đích của việc đào tạo tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học độc lập (80%) và có thể đào tạo thế hệ sau (20%) hay không? Và nghiên cứu khoa học độc lập bao gồm "tự xin được tiền để làm nghiên cứu khoa học".
Một khi xin được tiền rồi thì lương không thấp đâu. Còn không xin được tiền? Các bác đã làm lãng phí một số tiền khổng lồ, công sức của những người đi trước, mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người lao động cả nước để lấy "cái bằng tên là tiến sĩ" và không làm được một thứ gì có ích từ cái bằng đó.
Ngoài ra nếu không thể làm nghiên cứu độc lập thì nhiệm vụ đào tạo thế hệ sau của các bác chỉ đạt 30%, 70% còn lại là hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, mà bản thân các bác không nghiên cứu thì lấy gì hướng dẫn sinh viên? Đấy là chưa nói đến chuyện chỉ chừng 10% trong các đề tài nghiên cứu khoa học là có ý nghĩa thực sự làm phát triển cuộc sống…"
Một ý kiến khác đồng tình: Bằng tiến sĩ chẳng qua là chỉ là cái chìa khóa để mở ra con đường nghiên cứu, còn có được xã hội thừa nhận hay không phụ thuộc vào những thành quả đạt được ở phía sau. Không phủ nhận con đường học vấn là đầy gian nan, không phải chỉ sang là được hưởng thụ và đi du lịch như một số bạn từng nghĩ, nhưng tiến sĩ không có nghĩa là kiến thức uyên thâm hay cao siêu gì, chỉ là có chiều sâu trong một lĩnh vực rất nhỏ. Thế nên nếu ai đó mà đem cái bằng tiến sĩ ra để mặc cả, mà chưa biết đến khả năng làm việc thực tế của mình thế nào, thì thật là hơi lố bịch."
Mục đích của đào tạo tiến sĩ là tạo nguồn các nhà nghiên cứu cho xã hội, thế nhưng môi trường nghiên cứu ở các trường đại học không phát triển, tiến sĩ trở về chỉ đi dạy, vấn đề sử dụng còn gây lãng phí hơn.
"Với cơ chế cứng nhắc, đồng sàng, đồng lứa như hiện nay, tôi nghĩ không chỉ có các tiến sĩ, mà kể cả các em sinh viên giỏi của các trường đại học cũng vậy. Nếu nhà nước không có chính sách riêng để thu hút nhân tài, thì dù rằng họ có làm việc cho cơ quan nhà nước thì tâm và trí họ cũng không dồn hết vào đấy, vì họ còn phải lo cuộc sống, lo cơm, áo, gạo, tiền để nuôi vợ con họ trong thời buổi đắt đỏ này", một thành viên chia sẻ.
Một lưu học sinh tại Pháp nói: "Tôi cũng đang là lưu học sinh của 322, trong quá trình học, sinh viên bên này hỏi một câu "học xong có được tăng lương không"? Tôi trả lời "Không"! Họ hỏi lại "Vậy học để làm gì"? Tôi trả lời, để có thêm kiến thức và có thể làm việc tốt hơn. Họ cười và không tin được mức lương mà tôi nói. Tôi công tác trong ngành giáo dục được gần 10 năm và mức lương khoảng gần 3 triệu/tháng (hệ số 3,3 ngạch nghiên cứu viên).
Lưu học sinh này băn khoăn trước khi chuẩn bị về nước rằng, đi học bằng tiền của nhà nước thì có trách nhiệm làm việc tại cơ quan đã cử đi, nhưng mặt khác, làm thế nào để sống và yên tâm theo nghề được? Không ai muốn phải "chân ngoài dài hơn chân trong", nhưng cơ chế hiện nay tại các cơ quan nghiên cứu, không ít hoạt động là theo nhóm, êkip với nhau, người đúng chuyên môn chưa chắc được tham gia nếu không cùng êkip đó. Vậy nên, có người buộc phải tìm thêm công việc bên ngoài để đảm bảo cuộc sống."
Nhìn chung trên các diễn đàn, việc sử dụng các tiến sĩ như thế nào mới là câu chuyện đáng nói nhất.
Theo Tú Uyên
(vietnamnet)
Bình luận (0)