Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sáu cây hoa anh đào – 500 cảnh sát bảo vệ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đây là biện pháp đề phòng cảnh cướp hoa đã từng xảy ra.

“400 cành hoa anh đào tươi đã được vận chuyển trực tiếp từ sân bay Narita, Nhật Bản đến cảng hàng không Nội Bài và được đưa vào nhà bảo quản có nhiệt độ thích hợp của Trung tâm thể thao Quần Ngựa, Hà Nội. Suốt đêm 10 và ngày11-4, các chuyên gia và nghệ nhân Nhật Bản ghép 400 cành hoa thành sáu cây hoa anh đào gồm ba cây lớn và ba cây anh đào nhỏ, chuẩn bị cho lễ hội hoa anh đào Nhật Bản 2009 khai mạc vào 9 giờ sáng 12-4-2009” – ông Tsutsui Toyoharu, tổng thư ký Hội Giao lưu văn hóa Việt – Nhật, cho biết như vậy vào hôm 10-4.

Lời nhắc nhở “thương hoa” tại lễ hội hoa anh đào 2009 – Ảnh: VIỆT DŨNG

Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản lần thứ ba, dự kiến khoảng 200.000 người tham gia, đang thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Hà Nội, báo giới và cả ngoại giao đoàn tại Hà Nội. Lý do quan trọng tất nhiên là vì vẻ đẹp đặc biệt của hoa anh đào, nhưng còn lý do không kém phần “nhạy cảm” là tại hai lễ hội anh đào trước, dù quy mô nhỏ hơn nhưng đã diễn ra cảnh chen lấn, bẻ cành cướp hoa rất phản cảm, cảnh tượng đó tái diễn tại lễ hội phố hoa Hà Nội đầu Tết dương lịch 2009 khiến dư luận rất công phẫn và đã dấy lên nhiều diễn đàn lên án, tranh luận về “chuyện cướp hoa”.

Rút kinh nghiệm từ các lễ hội đó, ban tổ chức lễ hội hoa anh đào đã đề nghị được sự phối hợp giúp đỡ và bảo vệ từ chính quyền TP Hà Nội. Dự kiến trong suốt ba ngày diễn ra lễ hội (10 đến 12-4) sẽ có tới 500 cảnh sát được huy động để bảo vệ lễ hội, đặc biệt là bảo vệ hoa anh đào, không để tái diễn cảnh bẻ cành, cướp hoa. Các gốc anh đào sẽ được quây hàng rào bảo vệ, có cảnh sát đứng giám sát.

Tuy nhiên, theo các sinh viên tình nguyện đã được Hội Giao lưu văn hóa Việt – Nhật huy động tham gia lễ hội từ trước đó khá lâu (khoảng 200 sinh viên), các bạn dự kiến làm sẵn những tấm biển nhỏ, tờ rơi gần các gốc cây hoa cũng như hiện vật khác của lễ hội, nhắc nhở mọi người đừng bẻ cành vặt hoa, giữ gìn nét văn hóa, thanh lịch của người Hà Nội. “Chúng em sẽ túc trực liên tục, và lưu ý nhắc nhở tất cả mọi người. Có lẽ như thế tốt hơn là làm hàng rào sắt bảo vệ hoa và có cảnh sát mặc sắc phục đứng giám sát. Lễ hội hoa mà quá nghiêm trang e sẽ mất vui”- một sinh viên tình nguyện đề nghị không nêu tên bày tỏ như vậy.

Thú vị nhất về lễ hội này, như lời ông tổng thư ký Hội Giao lưu văn hóa Việt – Nhật đánh giá, là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, Nhật buộc phải xem lại chiến lược kinh tế của mình theo hướng lấy khu vực châu Á- Thái Bình Dương làm trọng tâm. VN chính là một trong những đối tác chiến lược quan trọng đó, nên dù đang ở giai đoạn trầm trọng nhất của khủng hoảng vẫn có tới hơn 20 cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, cùng gần 100 doanh nghiệp Nhật Bản lớn nhỏ tham gia bảo trợ, tài trợ, hợp tác cùng tổ chức lễ hội đã vượt khỏi tính chất một hoạt động văn hóa – hữu nghị đơn thuần này.

TH.H. (Theo TTO)

Trước lễ khai mạc vào ngày 12-4, chương trình lễ hội hoa anh đào 2009 diễn ra từ ngày 10-4 sẽ gồm các hoạt động nghệ thuật: biểu diễn múa truyền thống Nhật Bản Harajuku Super Yosakoi (gồm bốn đoàn múa Machida, Harajuku, Metro Tokyo, Makôt Oka), múa nón hoa Hanagasa Ondo; kịch Nam kinh Tama Mudare (thành phố Kobe), nhóm nhảy Shirabyoushi, biểu diễn đàn kiôt, đàn dây Samisen, nhạc cổ truyền bằng sáo trúc; biểu diễn thời trang, chương trình ca nhạc của hai ca sĩ Jipushikuin và Minamigawa Shinobu phối hợp với ca sĩ Mỹ Linh của VN.

Một loạt chương trình giới thiệu ẩm thực Nhật Bản, chương trình chiếu phim Nhật và tọa đàm về văn hóa Nhật Bản, giao thoa văn hóa Việt – Nhật trong lịch sử và hiện tại, đặc biệt là những nghiên cứu mới nhất của các nhà khảo cổ học Nhật Bản về hoàng thành Thăng Long cũng sẽ diễn ra trong những ngày lễ hội.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)