Học sinh đã trở lại trường học hơn tuần, các bậc học, khối lớp được tổ chức học không đồng loạt theo quy định của Sở GD-ĐT để tiếp tục phòng chống dịch nên tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm.
Giao thông khá trật tự vào giờ học sinh Trường Tiểu học Lam Sơn và THCS Lam Sơn tan trường vào ngày 15-5
Tuy nhiên, một số ngôi trường nằm sát mặt tiền đường, không có bãi đậu xe cho phụ huynh đưa đón con thì vẫn còn kẹt xe vào giờ cao điểm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài vì nơi đây có Trường Tiểu học Lam Sơn, Trường THCS Lam Sơn nằm liền kề, sát bên cạnh là chợ Bà Chiểu và Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (nằm gần ngã tư Vũ Tùng và Bùi Hữu Nghĩa). Có mặt trên đoạn đường này vào thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều 15-5, chúng tôi thấy giao thông khá thông thoáng, dù có hơi đông người tham gia giao thông nhưng không ùn ứ kéo dài. Anh Nguyễn Anh Minh (có con học tại Trường THCS Lam Sơn) cho biết, từ sau khi hết thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, tình trạng kẹt xe trên đoạn đường này đã được cải thiện. Một phần do học sinh học xen kẽ nhau, một phần vì công an phường có hỗ trợ phân luồng giao thông nên phụ huynh đưa đón con đỡ vất vả hơn. Một lợi thế mà Trường Tiểu học Lam Sơn, Trường THCS Lam Sơn có được là sân trường rộng rãi, phụ huynh được chạy xe vào sân đón con chứ không phải đậu xe dưới lòng đường như những nơi khác nên đã hạn chế được tình trạng kẹt xe.
Tình trạng kẹt xe trước cổng Trường THPT Lương Văn Can
Còn tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), đoạn từ Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS Võ Trường Toản tới Trường THPT Trưng Vương, vào trưa 18-5 (thời điểm học sinh tan học) có xe cộ khá đông đúc, nhất là đoạn gần Trường THPT Trưng Vương – không có chỗ cho phụ huynh đậu xe, nhiều người phải đậu xe dưới lòng đường trong khi con đường này không quá lớn nên xe cộ lưu thông qua khu vực này hơi khó khăn. Tuy nhiên, chỉ từ 10 đến 20 phút sau đó, các phương tiện giao thông trở lại bình thường. Theo người dân, so với trước đó thì hiện tại tuyến đường này ít kẹt xe hơn, chỉ rơi vào lúc học sinh các trường ra về đồng loạt, nếu không thì giao thông bình thường.
Nếu học sinh được về sớm, sau đó người đi làm mới tan sở thì giao thông trước cổng Trường Tiểu học Lương Định Của không bị ùn ứ
Tại Q.3, do đường Nguyễn Đình Chiểu một chiều nên tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm là không thể tránh khỏi, nhất là đoạn ngay Trường Tiểu học Lương Định Của – nơi có nhiều học sinh. Nhưng nếu hôm nào học sinh được về sớm, sau đó người đi làm mới tan sở thì giao thông không bị ùn ứ.
Tình hình giao thông tại Trường THPT Trưng Vương vào trưa 18-5
Nhiều năm nay, tình trạng kẹt xe trước cổng Trường THPT Lương Văn Can (Q.8) không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Theo người dân sống hai bên đường Phạm Hùng, giao thông khu vực này bắt đầu ùn tắc nghiêm trọng từ thời điểm học sinh tan trường. Thủ phạm chính gây kẹt xe là xe đẩy, hàng rong, xe máy của phụ huynh học sinh. Em Xuân Thịnh (lớp 10A4) chia sẻ: “Ngày nào em cũng đợi khá lâu mới băng được qua đường vì xe cộ quá đông đúc, bạn bè em cũng ngao ngán nhưng không biết làm sao, chỉ biết cố gắng tuân thủ Luật Giao thông và đi đứng cẩn thận”.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)