Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Sau khi biết điểm chuẩn, cần làm gì để thực sự trúng tuyển ?

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt trường ĐH đã công bố điểm chuẩn chính thức các phương thức xét tuyển đợt 1 năm nay.

Thí sinh đạt đủ mức điểm chuẩn cần tiếp tục thực hiện việc xác nhận nhập học theo quy định để trở thành sinh viên chính thức của các trường.

Điểm chuẩn nhiều biến động so với năm ngoái

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến trước 17 giờ ngày 17.9, các trường ĐH phải hoàn tất việc công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 năm nay. Tuy nhiên, ngay trong hôm qua (15.9), sau vòng lọc ảo toàn quốc lần cuối cùng, các trường ĐH đã đồng loạt công bố điểm chuẩn. Trong đó, điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm bằng với mức đã công bố trước đó. Riêng với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn có nhiều biến động, tăng giảm tùy ngành so với năm ngoái.

Sau khi biết điểm chuẩn, cần làm gì để thực sự trúng tuyển ? - ảnh 1

Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh cần có các bước xác nhận nhập học theo quy định. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, điểm chuẩn vẫn có xu hướng tăng lên ở những ngành, trường có nhiều thí sinh (TS) quan tâm. Đặc biệt, không ít ngành TS cần đạt hơn 9 điểm/môn mới có khả năng trúng tuyển.

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết năm nay điểm chuẩn trúng tuyển đa số các ngành có sự biến động nhiều so với năm 2021. Cụ thể ở các nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống gần mức điểm sàn, các nhóm ngành toán, máy tính, công nghệ thông tin biến động tối đa nửa điểm; các nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật công nghệ biến động nhiều hơn, trong khoảng tối đa 1 điểm. “Đặc biệt năm nay chương trình tiên tiến khoa học máy tính đã có mức điểm chuẩn kỷ lục là 28,2”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.

Điểm chuẩn trúng tuyển trung bình phương thức này tại Trường ĐH Kinh tế – Luật cũng ở mức 26,36. Trong đó, 3 chương trình đào tạo có điểm trúng tuyển trên mức 27 điểm gồm: thương mại điện tử, marketing và kinh doanh quốc tế. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM điểm chuẩn các ngành đều ở mức cao. Hai ngành điểm chuẩn ở mức 28 trở lên gồm: trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật phần mềm. Đáng nói, ngành thấp nhất của trường này là hệ thống thông tin chương trình tiên tiến cũng lấy ở mức 26,2 điểm.

Nhóm các trường tư, điểm chuẩn năm nay cũng có những biến động theo chiều hướng khác nhau. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp ở mức 17 – 18 điểm tùy ngành. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM điểm chuẩn cũng cao hơn điểm sàn từ 1 – 3 điểm tùy ngành, cao nhất 20 điểm với các ngành: công nghệ truyền thông, kinh doanh quốc tế, luật quốc tế. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành điểm chuẩn ngày y khoa ở mức 25 với phương thức điểm thi tốt nghiệp, ngành dược lấy 21 điểm và nhiều ngành ở mức 18 – 19 điểm…

Các bước thí sinh xác nhận nhập học

Cùng với thông tin điểm chuẩn, các trường ĐH đều có thông báo hướng dẫn cụ thể các bước làm thủ tục nhập học với TS. Theo quy định năm nay, TS bắt buộc xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong thời gian từ ngày 16 – 30.9.

Sau khi biết điểm chuẩn, cần làm gì để thực sự trúng tuyển ? - ảnh 2

Thí sinh tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học. ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài ra, TS cần lưu ý về quy định nhập học trực tiếp của từng trường. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM quy định TS bắt buộc phải thực hiện xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi nhập học tại trường, trước 17 giờ ngày 30.9. TS sẽ thực hiện thủ tục nhập học trực tiếp tại trường từ ngày 26.9 – 1.10. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM quy định từ ngày 17 – 30.9 là thời gian TS làm thủ tục nhập học trực tiếp tại trường.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế – Luật quy định 3 bước nhập học với TS trúng tuyển. Cụ thể, bước 1 xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ từ ngày 16 – 30.9, bước 2 nhập học trực tuyến trên cổng thông tin của trường từ ngày 19 – 20.9. Sau khi nhập học trực tuyến, TS được hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ cần thiết đến trường làm thủ tục trực tiếp từ ngày 21.9. Nếu không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, TS sẽ bị xóa kết quả trúng tuyển…

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng khuyến cáo: “TS đã trúng tuyển cần đọc kỹ các hướng dẫn nhập học, chuẩn bị các giấy tờ cần thiết, xem kỹ các mốc thời gian về nộp hồ sơ nhập học và tham gia sinh hoạt tân sinh viên đầu khóa. Tân sinh viên thực hiện các đăng ký nhập học trực tuyến, đăng ký tài khoản trực tuyến để có thể truy cập vào các tài nguyên và dịch vụ của nhà trường”.

Thạc sĩ Trần Vũ cũng lưu ý 3 việc cần làm với TS sau khi biết điểm trúng tuyển đợt 1. Đầu tiên là phải xem thật kỹ thông tin từ các trường, mỗi TS chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng, tức là chỉ có một nơi có thể xác nhận nhập học và làm thủ tục nhập học. TS hiện tại đã biết kết quả trúng tuyển có thể tranh thủ tìm hiểu về địa điểm sẽ học tập để lưu ý về phương tiện di chuyển, ký túc xá, các điều kiện sinh hoạt và khoản phí cần thiết để tránh bị động.

“Việc học tập ở bậc ĐH có nhiều điểm khác biệt so với bậc THPT, đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn, nên các em cần bắt đầu việc tự lập ngay từ những ngày đầu làm thủ tục nhập học”, thạc sĩ Vũ nói thêm.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)