Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sau một năm tái cơ cấu nền kinh tế: Cần triển khai quyết liệt, toàn diện và dài hạn hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Nền kinh tế Việt Nam gặt hái được gì sau một năm tái cơ cấu và những dự báo tình hình kinh tế năm 2013 – đó là những nội dung chính được thảo luận, đánh giá tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với chủ đề: Tái cơ cấu nền kinh tế – Một năm nhìn lại.

Nền kinh tế bộc lộ “bất ổn”

Đồng chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh: Diễn đàn lần này lựa chọn một chủ đề rất quan trọng, được quan tâm nhiều, mang tính trung và dài hạn để cùng thảo luận, trao đổi, đó là nội dung về tái cơ cấu nền kinh tế. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013.

Đánh giá tình hình kinh tế 2012 – một năm sau chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế khép lại, nhiều đại biểu tham gia diễn đàn nhận định rằng, tình hình kinh tế trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 đang có những chuyển biến, điều đó thể hiện bằng việc GDP vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng hợp lý; lạm phát, lãi suất giảm… Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP năm 2012 thấp nhất từ mốc năm 2000 đến nay. Bức tranh tổng thể nền kinh tế vẫn chưa sáng sủa.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển – Bộ KHĐT, nếu tình hình phát triển kinh tế như hiện nay, nguy cơ nước ta yếu kém, tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Cũng theo ông Thắng, trên thế giới, vấn đề đóng băng bất động sản, nợ xấu là những nhân tố xấu gây kìm hãm nền kinh tế đã xảy ra hơn chục năm qua. Chúng ta đi sau, nhưng vì sao không tránh được?

Năm 2012, tình hình lạm phát giảm, nhưng đáng quan ngại là hàng tồn kho quá lớn, trong đó phải kể đến việc đóng băng bất động sản. Thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước tồn kho trên 160.000 căn hộ, trong đó TPHCM dẫn đầu với trên 28.000 căn hộ, Hà Nội đứng nhì với 20.500 căn hộ, tương đương gần 50 ngàn tỷ đồng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về số nợ xấu. Đa phần đều đánh giá nợ xấu ở các ngân hàng thương mại hiện nay rất “khủng”, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8% – 10% GDP. Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, bày tỏ: Mặc dù thời điểm này xu thế kinh tế thế giới đang suy giảm, nhưng các báo cáo của chúng ta đều cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tăng 6% – 7%. So sánh tỷ trọng đầu tư xã hội giảm nhiều so với các năm, đó là nghịch lý và đáng ngờ, có phải ta đang “làm đẹp” báo cáo?

Một vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu mổ xẻ là, trong thời gian qua nhiều báo cáo về tình hình lạm phát chưa đúng với thực tế, thấy rõ nhất là các báo cáo giữa các tổ chức, chuyên gia thế giới về Việt Nam chênh lệch quá lớn so với báo cáo trong nước. Khi con số không thực sẽ dẫn đến tham mưu, quyết sách lệch lạc.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng chung nhận định với các chuyên gia tham dự diễn đàn là tình hình kinh tế – xã hội trong thời gian tới còn rất khó khăn, thậm chí gay gắt và có nhiều yếu tố “bất thường” cho dù nó có đạt những kết quả khá tích cực như kéo lạm phát từ 18% năm 2011 xuống 6,8% năm 2012. Ông Thiên cho rằng, đó là những thành tích tạm thời, ngắn hạn nên không có gì chắc chắn trong thời gian tới.

Tái cơ cấu quyết liệt hơn

Theo đánh giá của nhiều đại biểu, sau 1 năm triển khai tái cơ cấu, Chính phủ đã dành nhiều công sức xây dựng một hệ thống văn bản. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung tái cơ cấu. Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa được thiết lập theo một chương trình bài bản có mục tiêu nên kết quả chưa rõ ràng, nhất là đối với khu vực kinh tế trong nước. Cụ thể, vấn đề nợ xấu được đặt ra từ lâu nhưng việc xử lý rất chậm. Mà không xử lý nợ xấu, khó có thể tái cơ cấu các tổ chức tín dụng dẫn đến hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn. Nghịch lý là, quá trình tái cơ cấu không những chưa tạo áp lực để các doanh nghiệp dấn thân, sáng tạo tư duy, đổi mới cách làm… mà trái lại, có phần bao che cho những doanh nghiệp vốn là những tác nhân gây nhiễu cho nền kinh tế hiện nay thêm trì trệ.

Tại diễn đàn, ngoài nhiều ý kiến chỉ rõ những hạn chế trong tái cơ cấu thời gian qua, một số ý kiến đưa ra góc nhìn rằng, cơ hội tái cơ cấu đang đến độ chín muồi, năm 2013 là năm bản lề để tái cơ cấu khi Đề án tổng thể tái cơ cấu đã được phê duyệt. Và việc tái cơ cấu phải được triển khai quyết liệt, toàn diện và dài hạn hơn.

Hôm nay 6-4, những vấn đề của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được mổ xẻ, phân tích, đánh giá, nhìn nhận…

"Chúng ta phải có một đề án tổng thể, trong đó nội dung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, hệ thống tài chính phải được đặt lên hàng đầu. Đến nay, nói chung chưa có đề án tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Các dự án đều thiếu vốn, dự án treo nằm la liệt, nhưng cái chính là từ phê duyệt dự án đến chuyện rót vốn còn mang nặng cơ chế: xin – cho. Vậy nhưng, đến nay chưa có giải pháp nào hạn chế hay ngăn chặn căn bệnh kinh niên này"

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển

VĂN NGỌC (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)