Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sau nghỉ hè, trẻ nhập trại vì nghiện game

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 8/8, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cháu bé sáu tuổi co giật, động kinh cục bộ sau chín giờ “cày” game liên tục khiến nhiều phụ huynh phát hoảng.

Thực tế, cứ sau mỗi đợt nghỉ hè, số trẻ phải đi điều trị cai nghiện game lại tăng cao so với các thời điểm trong năm…

Hè đến, thả con cho… game

Hai tuần qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đỏ (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) lo sốt vó vì cậu con trai 12 tuổi rơi vào tình trạng suy nhược, khuôn mặt đờ đẫn, bỏ ăn chỉ vì nghiện game. Vợ chồng anh Đỏ kinh doanh ăn uống nên hầu hết thời gian đều ở cửa hàng.

Sau nghi he, tre nhap trai vi nghien game
Các học viên nghiện game ở Trường nội trú IVS đang làm các đồ vật theo trò chơi dân gian

Hè năm nay, anh Đỏ để con ở nhà cho người cháu trông giùm, không ngờ  hai anh em họ thi nhau… cày game. Gần đây, anh Đỏ phát hiện con trai  chỉ muốn nằm trong phòng chơi game. Gặng hỏi người cháu, anh Đỏ được biết, từ đầu hè đến nay, con trai anh mỗi ngày cày game 8-9 giờ. Đưa con đến bệnh viện khám, anh Đỏ mới biết con mình đã nghiện game ở mức độ nặng, cần phải điều trị lâu dài.

Mới đây, chị Bùi Kim Dung (ngụ Q.Gò Vấp) cũng phải đưa cậu con trai đi cai nghiện game sau gần hai tháng hè. Là nhân viên văn phòng bận rộn, trong dịp hè, chị Dung hay dắt con trai 11 tuổi lên công ty chơi. Sợ cháu quấy rầy, chị cho con một chiếc laptop để cháu thoải mái chơi. “Tôi nghĩ cháu sẽ xem phim hay nghe nhạc gì đó nhưng không ngờ cháu chơi một loại game có tên là "Liên minh huyền thoại".

Thường ngày, cháu đi học, đến tối về nhà tôi chỉ cho cháu chơi vài chục phút sau giờ cơm. Dịp hè, tôi cho cháu chơi quá nhiều nên đâm ra nghiện. Ban đêm, cháu còn lén lút chơi trên điện thoại. Khi tôi phát hiện thì cháu đã nghiện rồi”, chị Dung kể. Biểu hiện của con trai chị Dung ban đầu chỉ là biếng ăn, đờ đẫn nhưng dần về sau cháu hay nói lảm nhảm, nói chuyện game trong mơ… 

Game thủ nhập trại tăng

Theo khảo sát của chúng tôi, vào dịp hè, ở các tiệm game trên địa bàn TP.HCM đông khách lên rất rõ. Cùng với đó, chủ các tiệm game thường câu khách bằng việc tổ chức các giải đấu game trong dịp này để các game thủ sát phạt nhau. 

Anh H.N.Q., chủ tiệm game ở H.Nhà Bè, cho biết: “Mùa hè mà mình không tổ chức các giải đấu game online thì coi như thua đứt mấy tiệm khác. Giải đấu là để các game thủ so tài. Giải thưởng là các thẻ chơi game miễn phí trong một khoảng thời gian nào đó. Mùa hè này, nhờ có giải đấu “Liên minh huyền thoại”, lượng khách đến tiệm tôi tăng gấp ba lần”.

Sau nghi he, tre nhap trai vi nghien game

Có mặt tại một tiệm game gần công viên Phú Lâm (Q.6), chúng tôi phát hiện 90% khách ở đây là học sinh độ tuổi từ 10-18. Dịp hè, các game thủ thi nhau “cày” mỗi ngày từ 5-8 giờ mà không bị phụ huynh nhắc nhở. “Bố mẹ em đi làm cả ngày nên em đi ra chơi, tới 17g mọi người đi làm về thì em nghỉ chơi đi về nhà”, Tấn H. – 14 tuổi, nhà ở đường Kinh Dương Vương, chia sẻ. Nhóm của H. mỗi ngày “cày” game đến hơn 8 giờ. Đồ ăn, nước uống đều được chủ quán phục vụ đầy đủ. Suất ăn trưa mì tôm với trứng ở đây có giá 12.000 đồng. “Chỉ mấy tháng hè là sướng nhất, chứ đi học, ba mẹ chở đến trường bán trú từ sáng đến chiều thời gian đâu mà chơi game”, Tấn H. nói.

Thầy Đặng Lê Anh – phụ trách đào tạo Trường nội trú IVS – người nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục các học viên nghiện game, cho biết, cứ sau mỗi đợt hè thì lượng trẻ đến trường “cai nghiện game” lại tăng lên đáng kể. “Khi trẻ đã chơi game thì không phải chỉ chơi vào mùa hè, đi học các cháu vẫn chơi. Nhưng, mùa hè trẻ thường chơi nhiều hơn, cha mẹ không quản lý được nên các cháu tìm đến game rồi nghiện mà phụ huynh không kiểm soát được”, thầy Lê Anh cho biết.

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, thời gian hè cũng có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị vì nghiện game. Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), hiện nay nhiều trẻ có máy tính riêng hoặc smartphone, có phòng riêng, nhiều điều kiện để tiếp xúc với game hơn, từ đó dẫn đến tỷ lệ trẻ nghiện game ngày càng tăng. 

Không cho trẻ chơi game quá 15 phút

Cô Bích Ngọc, giáo viên tiểu học ở Q.Tân Phú) cho hay, cứ sau mỗi đợt hè giáo viên rất vất vả vì “đồng hồ sinh học” của trẻ bị thay đổi. “Nếu như ngày thường trẻ ngủ lúc 21g thì đến mùa hè phụ huynh lại mặc nhiên cho các cháu thức khuya, chơi game nhiều hơn. Đến đầu năm học, các cháu vẫn còn thói quen thức khuya nhưng phải dậy sớm để đi học nên rất vật vã. Vào đầu các năm học, tôi phỏng vấn học sinh của mình thì phát hiện có đến 80-90% em dịp hè được “ôm” máy tính, điện thoại chơi thoải mái. Đó là thực trạng rất đáng báo động”, cô Bích Ngọc nói.

Cô Bích Ngọc chia sẻ thêm: “Nếu để ý, cứ sau mỗi mùa hè thì một lớp ít nhất sẽ có vài cháu bị vấn đề về mắt, được trang bị thêm đôi kính… Vì trẻ bây giờ tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhiều quá, sân chơi hè của trẻ chỉ xoay quanh chiếc điện thoại hay máy tính”.

Thầy Đặng Lê Anh tư vấn, giải pháp để giúp trẻ không nghiện game là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với máy tính, điện thoại; không nên cho trẻ chơi quá 15 phút. Thông thường, phụ huynh vẫn có tâm lý cho trẻ chơi game khoảng 1 giờ là vừa nhưng đối với học sinh tuổi từ 8 đến 16 thì chơi như vậy sẽ rất hại mắt và dễ khiến trẻ bị nghiện game.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) nêu giải pháp: “Các phụ huynh có con nghiện game thay vì la mắng các cháu, gia đình nên nhờ thầy cô, bạn bè động viên, khuyên răn. Đồng thời, lập thời gian biểu để cùng cháu thực hiện các công việc trong ngày, bớt thời gian cho trẻ tiếp xúc với máy tính, nhưng không nên cắt đột ngột. Ví dụ, ngày đầu lùi 5-10 phút, ngày hôm sau lùi thêm vài phút, dần dần từng nấc một, kiên trì như vậy thì sẽ đến lúc cháu cảm thấy không có game cũng không sao”.

Trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp phụ huynh tự  “cai nghiện game” cho con bằng cách xích tay, chân hay giam lỏng. Theo các chuyên gia, biện pháp này không những phản tác dụng mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí vi phạm pháp luật. Với nghiện game, giải pháp hữu hiệu là phòng thay vì chống. 

Tạo nhiều sân chơi để trẻ thoát kỳ nghỉ hè công nghệ

Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Ánh – nguyên hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.HCM – nhìn nhận, nhiều năm trước, ở các vùng quê vào mùa hè, chúng ta thường thấy cảnh trẻ thả diều, bắn bi, bắt cá… Nhưng bây giờ, những trò chơi đó gần như mất đi. Trẻ ở nông thôn hay thành thị hiện nay rất ít tìm đến các trò chơi dân gian, thay vào đó là các thiêt bị điện tử như máy tính, điện thoại vì nó hấp dẫn trẻ hơn.

Ở góc độ văn hóa hay đời sống, chúng ta đều thấy lo lắng trước thực trạng này. Trẻ chơi game nhiều dẫn đến nghiện game là vì các sân chơi khác không đủ thu hút trẻ. Hiện nay cũng có nhiều sân chơi cho trẻ như học kỳ quân đội này nọ nhưng nó chưa “bình dân”. Chúng ta cần tạo ra những sân chơi bình dân nhưng vẫn đủ sức thu hút trẻ thì mới mong kéo trẻ thoát khỏi những kỳ nghỉ hè công nghệ như hiện nay.

Bé sáu tuổi bị co giật sau 9 giờ chơi game liên tục

Truyền thông đưa tin, cậu bé John ở Philippines bị mất kiểm soát cơ mặt, môi rung, mắt chớp liên tục. Các triệu chứng này tương tự động kinh cục bộ, một loại bệnh lý gây ảnh hưởng đến não. Gia đình cho biết, John xem phim hoạt hình trên ti vi ngay sau khi tỉnh dậy. Khi đi học về lúc 15g, cháu chơi trên điện thoại hoặc máy tính bảng cho đến nửa đêm. Các bác sĩ cho rằng, tình trạng sức khỏe của cậu bé có thể bắt nguồn từ việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lâu. Tuy nhiên, ngay cả khi John đã ngừng chơi điện tử trong một tuần, triệu chứng này vẫn xảy ra. Cậu bé hiện vẫn đang được theo dõi thêm. Đây là lời cảnh báo đối với các bậc phụ huynh sớm cho con nhỏ tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Sơn Vinh/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)