Theo HLV Trần Vân Phát, để giành quyền dự VCK World Cup, bóng đá nữ VN phải được đầu tư liên tục, cầu thủ có thể hình, thể lực tốt mới có thể cạnh tranh cùng các đội mạnh châu Á!
> Chung kết Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2008: VN – Australia 0-1 Thanh thản chức á quân
Vượt qua Myanmar rồi Thái Lan để có mặt trong trận chung kết đầy kịch tính với đương kim hạng tư châu Á là Úc, các cô gái VN đã thể hiện một sức bật mới trong kỹ thuật lẫn thể lực. Điều người hâm mộ chờ mong là bao giờ bóng đá nữ VN sánh vai cùng với những đội bóng lớn, cụ thể là dự vòng chung kết (VCK) World Cup?
Úc làm khó… VN
Thắc mắc của nhiều người hâm mộ cũng trùng với suy nghĩ, tâm tư của nhiều đại biểu tham dự cuộc hội thảo về phát triển bóng đá nữ tại châu Á, diễn ra từ ngày 20 đến 21-10 tại TPHCM. Theo HLV trưởng đội tuyển nữ VN Trần Vân Phát, VCK World Cup nữ có 16 đội, châu Á được phân bổ 2,5 suất. Do các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á không phát triển bóng đá nữ nên 2,5 suất kể trên là cuộc cạnh tranh giữa nhóm “4 đàn chị” của bóng đá nữ Đông Á gồm CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Phát, để VN chen chân vào nhóm này cần quá trình đầu tư mạnh và liên tục, chứ đừng nói tranh suất dự VCK World Cup. Vậy mà giờ đây cơ hội đó càng khó khăn hơn khi Úc gia nhập LĐBĐ châu Á và một số quốc gia Hồi giáo như Iran cũng bắt đầu phát triển bóng đá nữ!
Ưu tiên thể lực, thể hình
Tuy nhiên, nhà cầm quân người Trung Quốc này rất tự tin: “Không điều gì là không thể nếu như chúng ta luôn nỗ lực và có hướng phát triển đúng đắn”. Giải vừa qua và trận thua Úc ở chung kết cho thấy các cô gái VN đã tiến bộ rõ rệt về thể lực sau hai chuyến tập huấn. Nhưng để vươn ra tầm châu lục, bóng đá nữ VN cần chọn lứa cầu thủ không chỉ khéo léo, tư duy chiến thuật tốt mà còn cần nhiều vị trí có thể hình đẹp, thể lực tốt, đặc biệt là hàng thủ và tiền đạo. Trận chung kết với Úc hồi đầu tuần này hoặc những trận đấu với Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên tại Giải Vô địch châu Á 2008 trên sân Thống Nhất cách đây 4 tháng cho thấy dù các cầu thủ VN có kỹ thuật khéo đến mấy thì vẫn khó chịu được sức ép trước các đối thủ có thể hình, thể lực vượt trội, đặc biệt là hàng thủ.
Ngay cả chuyên viên, phụ trách bộ môn bóng đá nữ của Tổng cục TDTT Trương Hải Tùng cũng chung nhận định: “Thể lực, thể hình luôn là nền tảng cho bất kỳ sự tiến bộ nào của bóng đá nữ VN. Dĩ nhiên để có được nhiều cầu thủ vừa khéo vừa cao, khỏe không chỉ có trách nhiệm của ngành thể thao, bóng đá (chú trọng nâng chất dinh dưỡng cùng những bài tập thể hình hợp lý) mà còn của xã hội trong việc tạo ra một thế hệ thanh, thiếu nữ VN phát triển hơn nữa về thể chất”.
Coi chừng bóng đá nữ Thái Lan
Xem ra mục tiêu hợp lý của bóng đá VN là gia nhập tốp đầu châu Á trước khi tính chuyện giành vé dự VCK World Cup. Thuận lợi là bóng đá nữ VN đang có nền tảng tốt, với 3 giải đấu thường niên, trong đó có giải vô địch quốc gia.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất nhiều khi còn ít nhà tài trợ quan tâm đến bóng đá nữ dù đội nữ luôn đạt nhiều thành tích, với tổng cộng 4 lần vô địch SEA Games lẫn Đông Nam Á. Chất lượng giải vô địch quốc gia không cao. Theo HLV Trần Vân Phát, dù vượt qua Myanmar và Thái Lan ở Giải Vô địch Đông Nam Á vừa rồi, nhưng tuổi đời trung bình của hai đội bóng này còn rất trẻ (18,5 tuổi) và đang trong thời kỳ chuyển giao. Nếu không trẻ hóa liên tục và tìm lớp kế thừa xứng đáng, đội nữ VN sẽ nhanh chóng bị Myanmar và Thái Lan qua mặt. Đó là chưa kể sau khi đi tắt đón đầu bằng cách gom quân nuôi một đội tuyển, người Thái bắt đầu tính đến chuyện phát triển bóng đá nữ căn cơ hơn khi chuẩn bị cho ra đời giải vô địch nữ đầu tiên của Thái. Họ đang mời ít nhất 4 ngôi sao nữ VN sang thi đấu bằng hình thức cấp học bổng tại trường đại học…
QUANG LIÊM (theo NLĐ)
Bình luận (0)