Chia sẻ với khoảng 700.000 nhà giáo bậc mầm non, phổ thông tại chương trình Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dạy học tích hợp là điểm rất mới trong chương trình GDPT 2018. Người thiết kế chương trình đã tham khảo cách làm của các nước, đưa chương trình nhằm mục tiêu phát triển năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc. Việc dạy học tích hợp có lẽ là việc khó khăn nhất trong thời gian qua. Kết quả Đoàn giám sát, Bộ GD&ĐT đang đánh giá giữa kỳ, thu thập ý kiến chuyên gia, đội ngũ nhà giáo cho thấy có điểm nghẽn, điểm khó. Có những nhà giáo dạy được cả hợp phần nhưng nhiều người đang dạy các phần riêng. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa dù đã được tập huấn nhưng dạy học tích hợp đang là thách thức lớn.
Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh dạy học tích hợp bậc THCS, sau 2 năm triển khai.
Ông Sơn thông tin, trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh dạy học tích hợp ở bậc THCS. “Có thể vẫn kiên trì dạy học tích hợp ở bậc tiểu học, vì việc này đã làm tốt. Riêng đối với bậc THCS, chúng tôi sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với chương trình GDPT 2018 đối với dạy học tích hợp”, ông nói.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh thế nào nhằm thuận lợi hơn cho dạy học, không gây ra xáo trộn đội ngũ cũng như không ảnh hưởng đến đầu ra của chương trình. Khẳng định: Chương trình GDPT 2018 được đánh giá là chương trình rất tốt, có tính khoa học nhưng khi đi vào thực tiễn cần có cả quá trình do đó nếu có vướng mắc, cần sẵn sàng dũng cảm đối mặt.
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình, SGK mới ở bậc THCS bắt đầu từ lớp 6 và từ đó đến nay giáo viên các nhà trường ngao ngán “kêu trời” vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn. Cụ thể, giáo viên Sinh học phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, “ép” giáo viên Sinh học đi dạy kiến thức Hoá học, Vật lý là điều không tưởng và có thể dẫn đến dạy sai kiến thức cho học sinh.
Trả lời băn khoăn của nhiều giáo viên về phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức từ năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện đã có phương án dự thảo đang lấy ý kiến giáo viên, người dân. “Kỳ thi từ năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới bậc THPT, các em chưa được trải nghiệm đầy đủ, trọn vẹn chương trình mới do đó điều chỉnh phương án thi làm sao không gây sốc, bất ngờ cho học sinh, phụ huynh. Do đó để có phương án thi phù hợp, trong quý 4/2023 Bộ GD&ĐT sẽ công bố”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. |
Theo Hà Linh/TPO
Bình luận (0)