Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sau phổ thông, hệ thống giáo dục rất lằng nhằng

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo vẫn là hai vấn đề lớn hiện nay của giáo dục đại học (GDĐH). Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng GDĐH, các trường phải giải quyết được hai bài toán này.
Cơ sở vật chất chắp vá
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, GDĐH trong thời gian qua đã có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tuy nhiên kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường tại 25 trường ĐH-CĐ (16 trường công lập, 9 trường ngoài công lập) cho thấy một số trường chưa có đất sở hữu như Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội; chưa xây dựng được cơ sở vật chất trên diện tích đất hiện có như Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bách khoa; chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm đăng ký thành lập, hiện vẫn phải thuê mượn địa điểm để hoạt động GD và việc giao sử dụng đất chưa được làm rõ theo quy định như 55,4ha đất của Trường ĐH Hà Hoa Tiên…
Thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm các trường ĐH-CĐ còn yếu kém, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá có chất lượng các thiết bị tốt; nhưng chỉ có gần 20% phòng thí nghiệm được đánh giá có công nghệ thiết bị hiện đại; chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được các trường đánh giá là đạt về mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, chủ yếu là của các trường ĐH trọng điểm. Số máy tính trang bị cho giảng viên (GV) và sinh viên (SV) còn thấp, tính trung bình 3,6 GV có 1 máy tính; 27,3 SV mới có 1 máy tính. Có tới gần 90% trường có thư viện truyền thống, nhưng chỉ có gần 40% thư viện có áp dụng tiêu chuẩn thư viện hiện đại. Trong khi đó diện tích thư viện chật hẹp, số lượng tài liệu sách ít, ít tài liệu chuyên sâu. Tính trung bình 21,2 SV mới có 1 chỗ ngồi trong thư viện.
GV vẫn thiếu và yếu
Về đội ngũ GV ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết tính đến hết năm học 2013-2014, số GV ĐH-CĐ cả nước là 91.633 người, tăng 4% so với năm học trước. Trong đó số có học hàm giáo sư là 517 người, học hàm phó giáo sư là 2.966; tiến sĩ là 9.562. Đến nay đã có trên 1.000 GV được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên so với yêu cầu đổi mới GDĐH, đội ngũ GV vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Tỷ lệ GV có học hàm cao vẫn còn thấp, nhiều trường không quan tâm tới việc phát triển đội ngũ GV nên có nhiều ngành không bảo đảm điều kiện GV cơ hữu, bị dừng tuyển sinh; nhiều trường ngoài công lập dựa vào đội ngũ GV thỉnh giảng là chính, chưa xây dựng được đội ngũ GV cơ hữu. Việc tuyển dụng giáo viên ở các trường trực thuộc địa phương có khó khăn nên phần lớn dựa vào SV tốt nghiệp tại trường rồi bồi dưỡng, phát triển thành GV ảnh hưởng đến công tác đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
“Về cơ cấu hệ thống GD, bắt đầu từ sau phổ thông, cơ cấu như ma trận, nhìn mô hình thấy rất lằng nhằng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Về công tác đào tạo của các trường, Bộ GD-ĐT đánh giá là còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, qua rà soát các trường ĐH năm 2013 cho thấy, trung bình tỷ lệ SV ĐH-CĐ trên số GV quy đổi SV/GV đạt 22,7; nhiều trường có tỷ lệ SV/GV vượt quá quy định (45 trường có từ trên 30-50 SV/GV, 9 trường có trên 50 SV/GV). Tỷ lệ sinh SV/GV tính theo ngành đào tạo còn có biến động rất lớn: Trong 3.575 ngành ĐH-CĐ được khảo sát, trên 500 ngành có số SV vượt quá 30 SV/GV quy đổi, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ SV/GV đạt trên 100 (chủ yếu tập trung ở khối ngành kinh tế – quản lý, luật và GD). Có những trường quy mô SV quá nhỏ, đội ngũ GV thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng so với đề án cam kết thành lập trường (Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Trường ĐH Thành Đông và Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà). Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo liên thông có nhiều bất cập dẫn đến giảm chất lượng đào tạo, gây nhiều bức xúc cho xã hội như: Không đúng quy định về đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông; tổ chức đào tạo liên thông chính quy ngoài cơ sở đào tạo; tuyển sinh vượt chỉ tiêu…
Ngoài ra, việc triển khai đào tạo liên kết trong nước và ngoài nước khi chưa có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền; còn sai về đối tượng liên kết, đối tượng đào tạo, tổ chức đào tạo ở địa điểm đào tạo không đảm bảo điều kiện quy định hoặc tại cơ quan không phải là cơ sở GD (Công ty TNHH Vĩnh An); tuyển sinh vượt quy mô cho phép (Trường ĐH FPT…); không tổ chức thực hiện chương trình liên kết mà giao cho đơn vị khác ngoài trường thực hiện, chưa đảm bảo đủ GV theo quy định tại nghị định 73 (Trường ĐH Hoa Sen); tổ chức đào tạo liên kết ở bên ngoài cơ sở chính của trường (Trường ĐH Hà Nội); liên kết với đối tác chưa có văn bản kiểm định chất lượng của nước ngoài (ĐH Thái Nguyên).
Những tồn tại trên đây của GDĐH được Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ rõ nguyên nhân: Đó là do phân tầng các cơ sở GDĐH chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Điều này dẫn đến việc đào tạo theo hướng ứng dụng lại thiếu kỹ năng thực hành, còn đào tạo theo hướng nghiên cứu lại thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2014 vừa được tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt ra câu hỏi đối với chất lượng GDĐH. Về cơ cấu hệ thống GD, Phó thủ tướng cho rằng bắt đầu từ sau phổ thông, cơ cấu như ma trận, nhìn mô hình thấy rất lằng nhằng. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT làm rõ việc xác định bậc trung cấp như thế nào, CĐ như thế nào, ĐH như thế nào, liên thông với nhau ra sao để tương thích với thế giới. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu bộ xác định việc xếp hạng các trường căn cứ vào đâu, việc kiểm định ai làm. Theo Phó thủ tướng, xu hướng tốt nhất là nên để độc lập. Bộ bàn kỹ rồi đưa ra ủy ban đổi mới GD quốc gia để sớm công bố.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)