Những giáo viên tham gia coi thi THPT quốc gia 2019 biết rất rõ nguyên nhân sự việc “sau khi phúc khảo 58 bài thi THPT quốc gia từ 0 lên 2-8,75 điểm” mà Bộ GD-ĐT đưa ra có tính thuyết phục như thế nào. (Bộ GD-ĐT cho rằng đây là do “lỗi thí sinh”). Tôi xin nói rõ quy trình coi thi môn trắc nghiệm để mọi người hiểu rõ hơn.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang nghe giám thị phổ biến quy chế thi. Ảnh: N.Tùng
Ở buổi thi nào, trưởng điểm thi cũng tập huấn cho cán bộ coi thi từng chi tiết, từng phần việc của từng cán bộ coi thi, cụ thể như sau: Hai cán bộ coi thi lên phòng, ghi đầy đủ số báo danh của thí sinh lên bàn và ghi trên bảng. Sau đó gọi đầy đủ họ và tên cùng với số báo danh của từng thí sinh vào ngồi đúng sơ đồ quy định. Cán bộ coi thi cắt và phát phiếu tô trắc nghiệm, hướng dẫn thí sinh từng dòng một, ghi số báo danh rồi dùng bút chì 2B tô số báo danh, sau đó nhắc lại vài lần yêu cầu thí sinh xem lại chính xác chưa. Khoảng 45 phút sau khi có hiệu lệnh cán bộ coi thi cắt và phát đề cho thí sinh theo đúng quy tắc đã bốc thăm, phát xong yêu cầu thí sinh đồng loạt mở đề ra ghi mã đề và tô mã đề. Cán bộ coi thi đi đến từng thí sinh đưa 2 phiếu cho thí sinh ghi mã đề, khi đó cán bộ coi thi kiểm tra việc ghi, tô số báo danh và mã đề chính xác như thí sinh đã ghi, tô chưa. Cán bộ coi thi tiếp tục nhắc thí sinh kiểm tra lại việc ghi, tô số báo danh và mã đề. Khi có tiếng chuông tính giờ làm bài thì cho các em làm bài thi. Hết môn thi thứ nhất, cán bộ coi thi thu đề, giấy nháp lại, khi có hiệu lệnh cắt và phát đề cho môn thi thứ hai, cán bộ coi thi sau khi phát đề xong yêu cầu thí sinh kiểm tra xem mã đề của môn thứ hai phải trùng mã đề môn thứ nhất, nếu không trùng phải báo ngay để đổi. Tương tự, môn thi thứ ba cán bộ coi thi cũng làm như thế. Khi hết giờ làm bài thi, một cán bộ coi thi đọc họ và tên, số báo danh của từng thí sinh lên nộp. Một cán bộ thu bài trước mặt thí sinh kiểm tra các thông tin ghi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, rồi dò lại việc ghi và tô số báo danh, mã đề chính xác rồi mới cho thí sinh ký đúng chỗ của mình rồi quay về chỗ ngồi. Sau khi thu đủ rồi cán bộ coi thi xếp lại theo thứ tự số báo danh từ thấp đến cao, đầy đủ và chính xác mới cho thí sinh rời phòng và mang túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm xuống phòng hội đồng để nộp cho trưởng điểm thi. Hai cán bộ coi thi ngồi trước mặt hai cán bộ thu bài lần lượt làm các thao tác: đếm đúng số tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, đọc so dò số báo danh, đọc so dò mã đề, sau khi kiểm tra chính xác mới tiến hành niêm phong, gửi về cho sở GD-ĐT. Đó là quy trình làm việc rất nghiêm túc và độ chính xác rất cao, công việc này giáo viên THPT làm thường xuyên trong lúc dạy.
Bộ GD-ĐT cho rằng thí sinh tô sai số báo danh hoặc sai mã đề hay do tô mờ. Tôi xin chia sẻ với quy trình coi thi như thế mà để thí sinh tô sai, ghi sai với số lượng đông như thế thì phải xem lại lãnh đạo hội đồng thi đã tập huấn cho cán bộ coi thi kỹ chưa? Và trưởng điểm thi có tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ chưa để quy trách nhiệm xử lý. Vấn đề nếu tô mờ thì bài thi môn tự nhiên hoặc xã hội có tới 3 môn như thế, có hai trường hợp: Thứ nhất, cả 3 môn mờ giống nhau, đều 0 điểm, thật vô lý vì thí sinh phúc khảo từng môn thi. Thứ hai, nếu sai mã đề hoặc sai số báo danh thì tổng 120 câu của 3 môn trong cùng 1 bài chẳng lẽ không trúng 1 câu nào theo luật ngẫu nhiên mà bài làm của thí sinh là học sinh giỏi.
Sự lệch điểm này, theo tôi, có hai tình huống: Thứ nhất, cán bộ chấm xếp lộn mã đề; Thứ hai, phần mềm có vấn đề. Tôi tin sự lệch điểm này không phải do chủ đích của con người.
Huỳnh Thanh Phú
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du,
Q.10, TP.HCM)
Bình luận (0)