Từ ngày 1-7-2025, ngành y tế TP.HCM chính thức vận hành theo mô hình tổ chức mới sau khi hợp nhất ba địa phương. Theo đó, hệ thống y tế thành phố sẽ có 2 chi cục và 124 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm không giường bệnh, 15 trung tâm bảo trợ xã hội và 38 trung tâm y tế khu vực.
Một điểm đáng chú ý là Trung tâm Y tế Quân – Dân Y tại đặc khu Côn Đảo sẽ chính thức trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và được bổ sung nhân lực chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến trên của thành phố nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa phương này.

Về mạng lưới y tế cơ sở, 443 trạm y tế phường, xã hiện hữu sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong giai đoạn đầu để tránh xáo trộn, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân không bị gián đoạn.
Trong vòng 60 ngày tới, Sở Y tế sẽ triển khai việc sắp xếp lại hệ thống này, chuyển đổi thành 168 trạm y tế tương ứng với các phường, xã mới và 296 điểm y tế. Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đơn vị này sẽ được xác lập lại chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Các trung tâm y tế khu vực có trách nhiệm ưu tiên bố trí thêm nhân lực, đảm bảo đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời điều phối nhân lực linh hoạt giữa các trạm và điểm y tế để đáp ứng nhu cầu tại từng địa bàn.
Đối với các trung tâm y tế, 38 trung tâm y tế quận, huyện trước đây (gồm 17 trung tâm có giường bệnh và 21 trung tâm không có giường bệnh) sẽ được chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực. Các trung tâm này sẽ phụ trách toàn bộ 168 trạm y tế phường, xã mới. Riêng 4 trung tâm có giường bệnh nội trú thuộc các quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ sẽ chuyển đổi thành trung tâm không có giường bệnh.
Cơ sở hạ tầng hiện hữu tại các địa phương này sẽ được chuyển đổi công năng phù hợp để tiếp tục phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Sở Y tế đã chỉ đạo các giám đốc trung tâm y tế khu vực tập trung tăng cường bác sĩ và nhân viên y tế cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở các điểm y tế đang thiếu nhân lực.
Mạng lưới cấp cứu 115 hiện có 1 trung tâm cấp cứu chính và 45 trạm vệ tinh, chủ yếu hoạt động tại địa bàn cũ. Trong thời gian tới, hệ thống này sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm bao phủ toàn bộ TP.HCM mới sau sáp nhập, đảm bảo tiếp cận nhanh trong các tình huống khẩn cấp trên phạm vi rộng hơn.
Hệ thống khám chữa bệnh của TP.HCM hiện có tổng cộng 162 bệnh viện, trong đó gồm 12 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành, 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa công lập và 90 bệnh viện tư nhân. Số lượng cơ sở y tế ngoài công lập cũng tăng nhanh, với gần 9.900 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và hơn 15.600 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc. Đây là lực lượng bổ sung quan trọng giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng của người dân.
Cùng với đó, thành phố hiện có 110 trung tâm bảo trợ xã hội, gồm 15 trung tâm công lập và 95 trung tâm ngoài công lập. Đây là hệ thống nòng cốt trong việc chăm sóc các nhóm dân số yếu thế, người già neo đơn, trẻ em mồ côi và người khuyết tật, được tích hợp vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện của thành phố.
Để tiếp tục tinh gọn bộ máy, Sở Y tế đã trình UBND TP.HCM phương án hợp nhất các trung tâm không có giường bệnh nhưng có chức năng tương đồng, như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định Y khoa và Trung tâm Giám định Pháp y. Việc hợp nhất nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động theo đúng định hướng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Với quy mô hệ thống y tế mở rộng cả về địa bàn và số lượng cơ sở, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý, điều hành. Để thích ứng, ngành y tế thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trong quản trị và phân bổ nguồn lực. Việc tăng cường kết nối giữa các tuyến, hiện đại hóa quy trình và nâng cao năng lực quản trị tại các đơn vị y tế sẽ được ưu tiên triển khai đồng bộ.
Sở Y tế TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân lực y tế có năng lực, linh hoạt, thích ứng với mô hình tổ chức mới. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phục vụ trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh, dân số đông và nhu cầu y tế ngày càng đa dạng.
Thủy Phạm
Bình luận (0)