Các sinh viên sát phạt nhau tại một quán nước ở quận Thủ Đức (ảnh chụp mùng 8 Tết) |
Mùng 8 Tết, hầu hết công sở, trường học, doanh nghiệp đã bắt đầu làm việc trở lại. Thế nhưng không ít người ở những khu vực vùng ven, ngoại thành TP vẫn còn tụ tập lao vào trò “đỏ đen” may rủi. Từ những người lao động phổ thông đến những cô “tú”, cậu “cử” và cả những người làm công chức nhà nước đều gầy sòng sát phạt nhau…
Từ… vui xuân
“Năm nào cũng vậy, ngay từ những ngày trước Tết khi công ty cho nghỉ làm là chúng tôi lập một “sòng” “ngồi thiền”. Cũng toàn anh em gần nhà đánh chủ yếu là “vui xuân”. Cả năm làm lụng đầu tắt mặt tối, Tết đến cũng “xả hơi” mấy ngày chứ em. Công ty anh mùng 9 Tết mới làm tranh thủ ra đây làm vài ván để mai đi làm cho thoải mái!”, anh Sáu (nhà ở Khu phố 4, P. Phước Long B, Q.9) đang say sưa với những lá bài tại đường 22 (P. Phước Long B, Q.9) vô tư cho biết. Tại đây, từ những ngày trước Tết nhiều “sòng” bạc đã được lập lên. Tiếng reo hò sát phạt nhau vang lên vì thắng thua. Trẻ em, phụ nữ thì đánh nhỏ lẻ, còn những người lớn tuổi thì tùy vào tài chính mà chọn kiểu chơi khác nhau. Nhiều “sòng” bạc lúc đầu số tiền đánh chỉ từ 2 – 4 ngàn đồng/ván, sau đó nâng lên 5-10 ngàn đồng/ván; rồi 10-20 ngàn đồng/ván… Không ít người mới vào chơi được khoảng 30 phút đã nhăn mặt, vò đầu đi ra vì đã hết tiền! Anh Thành vừa bước ra khỏi “sòng bạc” rầu rĩ: “Đ.M. năm nay sao số đen thế, chơi lần nào cũng thua. Hơn nửa tháng nay đi đứt nửa năm tiền lương đi làm”. Góc đối diện thì một thanh niên mặc áo Trường Cao đẳng Công nghiệp II, bần thần: “Em vừa đi tong nửa chai (500.000 đồng) rồi, từ Vĩnh Long lên mới được hai bữa nhưng đã thua gần 2 triệu bạc”.
Tại quán cà phê sinh viên trước cửa Trường Đại học Nông lâm TP.HCM thì một nhóm sinh viên không về Tết cứ thản nhiên chơi bài từ ngày trường nghỉ đến nay. Thanh Hùng, một sinh viên than thở: “Tết năm nay không có tiền về quê ở lại chơi càng tốn tiền hơn. Ở lại chẳng biết làm gì ngoài việc đánh bài và uống cà phê với bạn bè. Em đã gọi điện về nhà xin “trợ cấp” rồi mà đến nay vẫn chưa thấy tin gì”. Bên góc đường đối diện thì có một nhóm đang xóc đĩa bầu cua…
Dạo quanh tuyến đường Võ Văn Ngân , Làng đại học (thuộc P. Linh Trung, Q. Thủ Đức), kênh Nhiêu Lộc và các con đường quận 7, H. Bình Chánh, Bình Tân … vào thời điểm trước và sau Tết, nhiều người tranh thủ lúc chờ việc, tụ tập lại với nhau thành lập chiếu bạc ngay tại vỉa hè. Thế là “sòng bạc” dã chiến cứ thế được mở ra. Những con bạc tham gia “sòng” bạc kiểu này đều thực hiện nguyên tắc là tự kiểm soát. Có thể “sòng” hoạt động khép kín cho riêng một nhóm đối tượng hoặc có thể mở rộng thu hút dân đi đường tạt vào tranh thủ “làm tí”, nên thường những “sòng” mở rộng thường có đông người tham gia. Người sang thì vào quán cà phê ven đường, còn không thì với một mảnh chiếu, một bộ bài thế là cả nhóm gần chục người quây quần sát phạt nhau. Những sới bạc lắt nhắt ngoài đường này thường hay gặp “rủi ro”, do làm mất trật tự nên bị dân gọi điện báo công an. Chị Thanh, nhà ở Làng đại học, cho biết: “Mấy năm trước, cứ Tết là ở khu vực này nhộn nhịp lắm. Tôi ở trong nhà nhìn ra cứ không lâu lại thấy có sòng chạy toán loạn vì bị công an đến… hỏi thăm. Nhưng 1-2 năm nay thì tình hình có đỡ hơn nhưng vẫn còn nhiều nhóm sinh viên tụ tập ngồi đánh trong các ngõ ngách hay quán cà phê”.
Nhưng đó là những “sòng” hoạt động lộ liễu, còn phần lớn “sòng” hoạt động kín đáo hơn. Tết đến lấy lý do vui xuân nên nhiều nhóm cờ bạc chuyên nghiệp thả sức hoành hành. Những “sòng” này hoạt động có tổ chức. Có người coi chừng, thậm chì nhiều “sòng” chỉ cho phép người quen vào.
Đến “bác thằng bần”
Không ít những gia đình từ chỗ gia đình có của ăn của để, không biết chơi bài là gì, nhưng sau những lần “vui xuân” những tài sản dần dần ra đi theo những lá bài. Chẳng hạn như trường hợp của anh Tiến, nhà ở P. Bình Thọ (Q.Thủ Đức): “Một lần tôi đến nhà bạn chúc Tết vì thiếu “tay” nên tôi đánh cho vui, nhưng rồi tôi nghiện lúc nào không hay. Năm trước tôi phải bán nhà để trả nợ, mấy đứa nhỏ đành phải về nhà ông bà nội ở, còn vợ chồng tôi phải đi mướn nhà trọ ở, làm công nhân trả nợ” anh Tiến mếu máo kể. Trong số những người lao vào con đường cờ bạc từ những ngày “ăn không ngồi rồi” chẳng biết làm gì thì tụ tập đánh bài. Chị Thanh Hằng ở Cầu Đen, xã Bình Lợi (H. Bình Chánh) thì nói như thể biện hộ cho mình: “Tôi đánh bài từ bé nên nghiện rồi, chẳng bỏ được. Đánh bài thì mất thời gian thật đấy nhưng ra giêng ngày rộng tháng dài, có việc gì làm đâu. Vả lại trước kia tôi nội trợ ở nhà nên không thiếu thời gian. Do mê cờ bạc nên chồng con tôi đã dọn đi nơi khác, nhưng tôi cũng không thể bỏ bởi bài đã ăn vào máu tôi rồi”.
Trên QL 13, gần cầu Bình Triệu nhiều người quen với một ông già chừng 60 tuổi, thường ngồi trên chiếc xe gắn máy chờ khách. Nhưng vừa mới gặp ông vào ngày mùng 6 Tết được ông cho biết là chiếc xe mới mua được 2 năm nay đã bị người ta… cấn nợ. Hỏi mới biết là vì ông chơi bài bị thua. “Từ bé đến lớn tôi có biết bài bạc là gì đâu. Mấy năm nay do tuổi cao làm nhà máy không nổi nên ra đây chạy xe ôm kiếm cơm qua ngày. Nhưng do mấy anh em Tết ra chưa có khách nên ngồi đánh bài vui, nhưng không ngờ tàn cuộc chiếc xe để kiếm cơm cũng bị “nướng vào sòng”, giờ đây không biết lấy gì kiếm sống đây”, ông than vãn. Nói tới những người tán gia, bại sản vì cờ bạc thì phải nói tới Trần Trọng Bình. Bình từng là phó giám đốc một doanh nghiệp, Bình dần trở thành một tay chơi nổi tiếng có “số” ở khu vực Bình Lợi (H.Bình Chánh). Vào Tết năm 2008, một khoản tiền lên đến hàng tỷ và vài căn nhà do Bình sở hữu đã “không cánh mà bay” vì thua bài và cá độ đá banh. Giờ đây Bình như “đại bàng gãy cánh” nên thỉnh thoảng “ngứa” nghề, ghé qua mấy “sới bài” nhỏ để “ôn lại kỷ niệm”. Và tiếc nuối về tài sản và sự nghiệp cả cuộc đời theo đuổi của mình đã tuột khỏi tay mình.
Do sự dễ dãi của chính quyền địa phương, những tụ điểm tệ nạn đã diễn ra ngang nhiên, thậm chí công khai giữa bàn dân thiên hạ. Và chỉ một chút “vui” mà nhiều người đã trượt dài trên những nợ nần khiến gia đình phải ly tán. Những sinh viên, học sinh phải lỗi hẹn với trường lớp; còn những bác xe ôm, anh công nhân chỉ kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng nhưng khi tham gia vào chiếu bạc, máu đỏ đen đã khiến họ quên luôn “nồi cơm” và cả những người thân đang mong chờ họ.
Văn Mạnh
Bình luận (0)