Mặc dù lượng người mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, chợ không sôi động, tuy nhiên theo đánh giá của ngành công thương TP.HCM thì sức mua hàng hóa trước, trong và sau Tết của người tiêu dùng năm nay tăng cao so với các năm trước. Qua thống kê sơ bộ, trong mùa Tết Nguyên đán 2023, tổng mức bán lẻ xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm qua…
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)
Ghi nhận tại các chợ truyền thống Bà Chiểu, Văn Thánh, Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), Hòa Hưng (Q.10), Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3)… cho thấy hàng hóa sau Tết Nguyên đán 2023 dồi dào, giá cả ổn định. Các tiểu thương chia sẻ, đa số người dân mua hàng vào sáng sớm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau củ.
“Có thể Tết vừa qua, thức ăn dự trữ vẫn còn nên số lượng người dân đến chợ mua cũng vừa phải, chưa thực sự nhộn nhịp”, bà Ái Mỹ – tiểu thương tại chợ Bà Chiểu – chia sẻ.
Tại chợ Bà Chiểu, các mặt hàng rau củ quả, thịt tươi sống, thủy hải sản được bày bán đa dạng. Mỗi ký rau củ có giá dao động trên 10.000 đồng đến hơn 20.000 đồng. Như cà rốt 15.000 đồng, củ cải 13.000 đồng, hành tây 18.000 đồng, khoai tây 16.000 đồng, xà lách 18.000 đồng, bó xôi 25.000 đồng, hành lá 30.000 đồng…
Các loại thịt tươi sống như gà ta giá 110.000 đồng/kg; cánh gà công nghiệp 90.000 đồng/kg; nạc dăm heo 120.000 đồng/kg; sụn heo 170.000 đồng/kg; cốt lết heo 100.000 đồng/kg. Mặt hàng tôm sú 350.000 đồng/kg; tôm thẻ to 250.000 đồng/kg; cá lóc sống 60.000 đồng/kg…
Theo nhiều tiểu thương, các mức giá này không quá cao so với trước Tết. Chỉ riêng ngày vía Thần tài trong tháng (ngày 10-1 âm lịch), nhu cầu mua một số mặt hàng như cá lóc nướng, thịt heo quay, tôm luộc tăng đáng kể theo đó giá cả có tăng cao.
Cụ thể, tại các chợ Bàn Cờ, Bà Chiểu, Hòa Hưng, qua ghi nhận cho thấy giá cá lóc dao động từ 100.000-120.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ. Thịt heo quay 180.000 đồng/kg; tôm 35.000 đồng/con.
“Mỗi năm được 1 ngày này nên người dân mua nhiều. Tuy nhiên, sau ngày vía Thần tài thì giá các mặt hàng này lại hạ nhiệt”, bà Hồng Thủy – tiểu thương chợ Bàn Cờ cho biết.
Cũng theo bà Thủy: “Riêng ngày vía Thần tài, gia đình tôi bán được 200 con cá lóc cho khách hàng. Cả gia đình cùng tập trung nướng cá mới đủ bán”.
So với các chợ truyền thống, tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Big C, Emart… sức mua của người tiêu dùng đã gia tăng nhưng cũng chưa thực sự nhộn nhịp. Bên cạnh các mặt hàng bình ổn, chương trình khuyến mãi, ưu đãi về giá tiếp tục được thực hiện để người dân thuận tiện mua sắm.
Như siêu thị Big C (Q.10), giá các loại trái cây như sơ ri ngọt 22.500 đồng/nửa kg, nho đỏ Ninh Thuận 34.900 đồng/kg, táo hồng Phan Rang 24.900 đồng/kg, ổi ruột hồng 26.900 đồng/kg… Các loại rau hữu cơ như cải thìa 10.500 đồng/250g, rau muống 29.900 đồng/300g; súp lơ xanh 57.500 đồng/kg, súp lơ trắng 69.900 đồng/kg… Các mặt hàng tươi sống như cá trứng 95.000 đồng/400g, diêu hồng 79.000 đồng/kg, cá ngừ 87.000 đồng/kg, tôm thẻ 189.000 đồng/kg, bạch tuộc nhỏ 167.000 đồng/kg, sườn non heo 289.000 đồng/kg, chân giò heo 137.000 đồng/kg, gà ác 37.000 đồng/con, gà ta tam nông 105.000 đồng/kg…
Đáng chú ý, các mặt hàng thời trang vẫn duy trì giảm giá 10-30% để kích cầu tiêu dùng. Đơn cử, quần lửng nữ kaki WM giảm từ 199.000 còn 159.000 đồng/quần, áo thun nữ FOF giảm từ 99.000 còn 79.000 đồng/áo, túi xách jean GLO giá 109.000 đồng giảm còn 99.000 đồng/túi… Các mặt hàng đồ gia dụng cũng giảm giá. Như ly OCEAN 625ml giá 29.000 đồng giảm còn 26.900 đồng/cái, nồi cơm điện KANGAROO giá 539.000 đồng giảm còn 499.000 đồng/cái, nồi cơm điện COMET giá 439.000 đồng giảm còn 349.000 đồng/cái…
Theo Sở Công thương TP.HCM, tháng 1 là thời điểm Tết, TP đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết nên không xảy ra tình trạng tăng giá. Các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng 10% so với Tết Nguyên đán 2022 và bảo đảm nguồn hàng hóa gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Thông tin sức mua hàng hóa trước, trong và sau Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết, sức mua, nhu cầu tiêu dùng của người dân năm nay tăng cao so với các năm trước và không hề giảm. Qua thống kê sơ bộ, trong mùa Tết Nguyên đán 2023, tổng mức bán lẻ xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm qua.
“Khách hàng mua sắm tại các kênh truyền thống không đông như các năm trước. Nguyên nhân do phương thức bán hàng của doanh nghiệp đã khác, như: Bán hàng qua nhiều kênh truyền thống, kênh trực tuyến…”, ông Phương nói.
Đối với việc kiểm tra hàng hóa, giá cả trên địa bàn, theo ông Phương, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường… thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên đề. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, các đơn vị đã báo Sở Công thương, Sở Tài chính để đi kiểm tra hàng hóa thị trường trong thời gian mua sắm trước, trong và sau Tết. Tới nay chưa phát hiện dấu hiệu bất thường nào về giá cả, hàng gian hàng giả trên địa bàn.
Linh Anh
Bình luận (0)