Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sau Tết, nhiều dịch bệnh vào mùa

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đưa con tới khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Theo quy luật, tháng 2 là thời điểm của một số bệnh như tiêu chảy, hô hấp, thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ), rubella… Hiện nay, các bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 luôn quá tải do số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng cao.
“Mùa” của bệnh nhiễm
Tại buổi giao ban quận, huyện tháng 2 mới đây, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Đây đang là mùa của bệnh thủy đậu, rubella và dịch bệnh có thể kéo dài đến hết tháng 5”.
Trên thực tế, tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, số bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu và rubella điều trị nội trú tăng khoảng 30-40%, số trẻ đến khám ngoại trú tăng khoảng 50% so với đầu tháng 2. Đối tượng mắc các bệnh phần lớn là trẻ nhỏ, đang học mầm non.
Chị Hương – phụ huynh bé Minh B. đang học lớp lá tại một trường mầm non ở Q.3 cho biết: “Gần một tuần nay bé phải nghỉ học do mắc bệnh rubella. Trước đó, bé bị sốt rất cao, nhất là về đêm nóng sốt lên tới 41 độ, mũi bị nghẹt phải thở bằng miệng. Khó chịu nên bé lấy tay chọc vào mũi, hậu quả là mũi bị chảy máu rất nhiều. Sau ba ngày sốt, người bé bắt đầu nổi các nốt đỏ li ti. Lúc đầu là ở lưng, ở bụng, sau đó lan ra mặt, chân tay…”.
Điều đáng lo ngại là chị Hương đang có bầu ở tháng thứ 7. Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Người mẹ phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bé, tốt nhất là cách ly bé ra khỏi mẹ – bé ở một phòng, mẹ ở một phòng. Ngoài ra, người mẹ phải thường xuyên đeo khẩu trang”…
Với bệnh thủy đậu, phụ huynh cũng cần lưu ý. Theo bác sĩ Lê Bích Liên – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan cho những người trong gia đình, bạn bè trong lớp. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh phải cho nghỉ học. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, đa số trẻ đến khám, điều trị bệnh thủy đậu là những trẻ chưa được chích ngừa, một vài trường hợp đã chích ngừa nhưng chưa được chích ngừa nhắc lại (mũi thứ 2).
Bệnh nhi mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy tăng
Những ngày này Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 luôn trong tình trạng quá tải, các giường bệnh lúc nào cũng phải “gánh” 3-4 bệnh nhi/giường. Thậm chí nhiều bệnh nhi được cha mẹ đưa ra ngoài hành lang nằm cho thoáng mát.
Tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, bà Cẩm – Bình Dương cho biết: “Cháu tôi 4 tuổi đang điều trị tại đây. Mấy bữa trước, cháu bị đau bụng, nôn ói và đi cầu rất nhiều lần/ngày. Thấy thằng bé ăn không được mà đi cầu thì quá nhiều, người gầy xọp nên gia đình vội đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Khám xong là bác sĩ bắt nhập viện ngay. Sau ba ngày nằm viện, hiện cháu đã ăn uống được, dù rất ít nhưng chúng tôi cũng thấy mừng”…
Nguyên nhân số trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhập viện tăng là do thói quen trữ thức ăn trong dịp Tết của người dân. Theo đó, trẻ thường xuyên phải ăn thức ăn không còn được tươi. Bên cạnh đó, sau Tết nhiều phụ huynh làm biếng nấu ăn nên cho con ăn ở hàng quán bên ngoài không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng đã được bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ khuyến cáo trước Tết nhưng rất tiếc vẫn còn nhiều người dân tỏ ra thờ ơ với dịch bệnh.
Năm nay, thời tiết có nhiều thay đổi. Đặc biệt là từ sau Tết đến nay, ban ngày thì nắng nóng, ban đêm lại trở lạnh. Do thời tiết thay đổi đột ngột như vậy nên số trẻ mắc bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm tiểu phế quản… cũng tăng cao. Hiện nay các khoa hô hấp của hai bệnh viện nhi luôn có khoảng 80 bệnh nhi điều trị nội trú và hàng trăm trẻ đến khám ngoại trú.
Sáng 19-2, anh Đức, Q.10 đưa con tới Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Anh cho biết: “Từ tối 17, bé Ngọc (3 tuổi) bắt đầu nóng, nhất là về đêm. Buổi sáng 18 thì bình thường trở lại, tuy nhiên ăn rất ít. Đến chiều, sau khi ngủ trưa dậy, người rất nóng. Càng về chiều thì người càng nóng. Buổi tối, vợ chồng tôi phải đưa con tới phòng mạch tư khám. Cho uống thuốc xong, bé bớt sốt nhưng sáng nay lại sốt trở lại nên phải đưa vào bệnh viện khám…”. Khám xong, các bác sĩ cho biết bé Ngọc bị viêm tiểu phế quản. Bệnh này không quá nguy hiểm, phần lớn là điều trị tại nhà, tuy nhiên khi trẻ sốt phải đi bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)