Hơn một tuần nay (sau khi người lao động đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh – sinh viên đến trường học trực tiếp) số ca mắc Covid-19 đã tăng đột biến so với trước đó. Dự báo, số ca mắc trong cộng đồng sẽ còn tiếp tục gia tăng khi “Tháng giêng là tháng ăn chơi” với nhiều lễ hội, hoạt động du lịch được mở ra…
Nhiều người đi du lịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không đeo khẩu trang
Số ca mắc tăng gấp 3 lần
Trước Tết, từ 23 đến 29 tháng chạp (từ ngày 25 đến 31-1-2022), số ca mắc trong nước dao động từ hơn 12,5 ngàn ca đến 15,5 ngàn ca/ngày; trong 3 ngày Tết (mùng 1, 2, 3, tức từ ngày 1 đến 3-2), số ca mắc giảm mạnh – cụ thể, mùng 1 Tết chỉ có 11.023 ca, mùng 2 giảm còn 8.744 ca, mùng 3 là 8.601 ca.
Mùng 7 Tết (ngày 7-2) – ngày đầu tiên người lớn đi làm và trẻ em trở lại trường, số ca mắc đã tăng gấp đôi so với mấy ngày Tết. Cụ thể có 16.815 ca, trong đó Hà Nội vẫn nhiều nhất – 2.988 ca, tiếp đến là Nghệ An – 1.247 ca (trước đó, mùng 3 Tết, địa phương này chỉ ghi nhận 179 ca). Cũng từ ngày 7-2, số ca mắc ngày hôm sau đều tăng hơn ngày hôm trước khoảng 2 ngàn ca. Đơn cử như ngày 10-2, cả nước ghi nhận trên 26 ngàn ca. Trong đó các địa phương tăng đột biến là Hòa Bình – 1.073 ca, tăng 1.055 ca so với ngày 9-2; Bắc Giang – 876 ca, trong khi những ngày Tết địa phương này chỉ ghi nhận hơn 100 ca/ngày…
Sở dĩ số ca mắc tăng đột biến như vậy là do thói quen sinh hoạt trong dịp Tết của người dân vẫn chưa được thay đổi, nhất là ở vùng nông thôn. Chị Nguyễn Thị Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Năm nay gia đình tôi về quê (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ăn Tết. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát ở nước ta qua 3 cái Tết nhưng người dân ở quê vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ. Mọi người vẫn đến nhà nhau chúc Tết và ăn uống chung. Tôi thấy mọi người không chỉ không đeo khẩu trang, không giãn cách mà ngay cả khi ăn, thay vì dùng đũa, muỗng để gắp, múc đồ ăn trong đĩa, tô vào chén của mình thì tất cả đều dùng đũa đang ăn để lấy thức ăn; thậm chí mọi người còn chấm chung một chén nước mắm, gắp thức ăn cho người khác bằng đũa của mình. Không những vậy, trong các bữa ăn, đâu chỉ có người trong gia đình, gia tộc mà còn có cả hàng xóm, bạn bè; trong đó có rất nhiều người từ các tỉnh, thành khác về quê. Bởi vậy nên nguy cơ lây nhiễm từ các bữa ăn chung như vậy là rất lớn. Từ sau Tết đến giờ, quê tôi ghi nhận số ca mắc mới tăng gấp mấy lần so với trước Tết”…
Không chỉ là chuyện ăn uống, đi chúc Tết nhà này nhà kia mà còn là tình trạng đi lễ chùa, du lịch dịp đầu năm. Từ ngày mùng 3 Tết, nhiều điểm du lịch trên cả nước đều quá tải từ chỗ tham quan, đến nơi ăn chốn ngủ. Số ca mắc cũng từ đây mà tăng…
Dự báo trong những ngày tới, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế – cho rằng, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron.
Không thể ỉ i
Số ca mắc mặc dù cao gấp gần 2 lần so với trước Tết và gần 3 lần so với 3 ngày Tết nhưng số ca tử vong hiện nay đang có xu hướng giảm. Trước Tết, trung bình 140 ca tử vong/ngày thì nay chỉ còn dưới 100 ca/ngày. Điều này khiến cho không ít người dân lơ là, ỉ i…
Tuy nhiên, “Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
Theo đó, ông Long thông tin, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19.
Riêng tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP – cho biết, nếu như trước Tết Nguyên đán số ca mắc Covid-19 của TP ở 3 con số thì sau Tết số ca mắc mới tại TP đã xuống còn 2 con số. Đặc biệt vào ngày 5-2, TP ghi nhận có 24 ca. Tuy nhiên, sau Tết, từ ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch số ca mắc mới của TP bắt đầu tăng lên 3 con số. Thậm chí có những ngày số ca mắc mới cao gấp 10 lần ngày 5-2. Song, đáng mừng là tuy số ca mắc mới tiếp tục tăng nhưng số ca nặng, tử vong không tăng, thậm chí giảm.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết, Sở Y tế TP đã có văn bản trình UBND TP tham mưu và tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị Covid-19. Cụ thể là ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức Covid-19 để Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 hoạt động trở lại; tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến số 6, 8, 12. Duy trì bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16. Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP duy trì 200 giường bệnh/bệnh viện nhằm đảm bảo TP luôn sẵn sàng 1.000 giường hồi sức tích cực. Các bệnh viện giải thể sẵn sàng kích hoạt lại trong vòng 24 giờ khi số ca bệnh trên địa bàn TP tăng lên… |
Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã có văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức, các quận/huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân từ các tỉnh, thành trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại, đồng thời thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân, không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19; tăng cường rà soát, lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành hoặc đang sống trên địa bàn chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, vận động người dân đến cơ sở y tế để được tiêm chủng phòng Covid-19.
Riêng với nhóm nguy cơ cao, bà Mai thông tin, TP đang đẩy mạnh công tác bảo vệ người có nguy cơ cho đối tượng 65 tuổi và người có bệnh nền. Sau Tết, ngành y tế tiếp tục chiến dịch này mở rộng ra đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Các đơn vị đang lập danh sách các đối tượng này.
“TP cũng chuẩn bị chu đáo kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em để khi Bộ Y tế cho triển khai TP sẽ triển khai ngay. Theo đó, Sở Y tế cùng đơn vị rà soát lại danh sách, chuẩn bị đội tiêm từ các bệnh viện nhi, sẵn sàng công tác cấp cứu để việc tiêm thật sự an toàn”, bà Mai cho biết thêm.
Hòa Triều
Bình luận (0)