Tính đến hết tháng 6, có 83.964 tỉ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu do chính phủ bảo lãnh được phát hành, theo số liệu báo cáo trái phiếu sáu tháng đầu năm của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Nếu tính riêng trái phiếu chính phủ, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 54.824 tỉ đồng, cộng thêm 7.894 tỉ đồng tín phiếu kho bạc nhà nước thì Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 62.718 tỉ đồng, bằng 62,7% kế hoạch năm 2012 và tăng 49% so cùng kỳ năm 2011. Thị trường thứ cấp sôi động với tổng giá trị giao dịch đạt 74.646 tỉ đồng, cao gấp 2,43 lần so cùng kỳ năm 2011. Giao dịch chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn dưới ba năm, chiếm hơn 57% tổng giá trị giao dịch. Khối ngoại chiếm hơn 33% tổng giá trị giao dịch, cao hơn so với mức 21% cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng trong nước vẫn là chủ thể chính tham gia vào thị trường sơ cấp với 19 đơn vị, chiếm 50% số thành viên mua trái phiếu chính phủ với tổng giá trị hơn 37.000 tỉ đồng, chiếm 67,8% số lượng phát hành; nhà đầu tư nước ngoài chiếm 21%, còn lại là các quỹ đẩu tư và các công ty bảo hiểm.
Trái phiếu trở thành kênh đầu tư an toàn của các ngân hàng.
Trái phiếu bán chạy do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện biểu hiện là ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 60.542 tỉ đồng trên thị trường mở trong sáu tháng. Thứ hai, lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, tín phiếu NHNN phát hành thành công với tổng khối lượng là 106.939 tỉ đồng. Thứ ba, nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng đang dồi dào, song việc giải ngân tín dụng vẫn cầm chừng, nợ xấu gia tăng khiến nhiều ngân hàng hạn chế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Thay vào đó, họ đổ tiền vào trái phiếu. Những thời điểm ngân hàng thanh khoản tốt, như tháng 2 hay cuối tháng 4, đầu tháng 5, số lượng ngân hàng tham gia đấu thầu rất lớn, có phiên gần 20 đơn vị. Tỷ lệ đấu thầu/chào thầu của năm tháng đầu năm luôn ở mức 150 – 260%, cao hơn nhiều so với trung bình 154% của năm tháng đầu năm 2011.
BVSC tính toán, lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đáo hạn trong sáu tháng đầu năm lên tới 53.688 tỉ đồng, chiếm gần 76% số trái phiếu đáo hạn trong cả năm 2012. Dòng tiền từ nguồn trái phiếu đáo hạn này sẽ được quay trở lại đầu tư mới, nhất là khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, tín dụng thấp và kỳ vọng lợi suất sẽ giảm vào cuối năm. |
Tuy nhiên, BVSC cho rằng phát hành trái phiếu sẽ khó khăn hơn trong sáu tháng cuối năm. Lý do là các ngân hàng đã tham gia tích cực trên thị trường sơ cấp ngay từ đầu năm, và nhiều khả năng họ đã gần đạt chỉ tiêu mua mới trái phiếu chính phủ trong năm nay. Thứ hai, trái phiếu sẽ thiếu vắng sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư và các công ty bảo hiểm, do lãi suất hiện nay đã ở dưới mức kỳ vọng của họ (lãi suất trái phiếu trong xu hướng giảm, trong khi lãi suất huy động trên 12 tháng được thả nổi, ở mức 11 – 12%). Thứ ba, chính sách tiền tệ cuối năm sẽ tập trung hơn nữa vào định hướng giảm mặt bằng lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn của ngân hàng sẽ trực tiếp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, do vậy sẽ giảm phần nào cho danh mục trái phiếu.
Theo công bố của NHNN, tổng dư nợ nền kinh tế ở mức 2.617.000 tỉ đồng; tín dụng sáu tháng đầu năm tăng 0,76%, xấp xỉ 20.000 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu chính phủ trong sáu tháng đầu năm gần gấp đôi tiền cho vay ra nền kinh tế.
Hồng Sương
Theo SGTT.VN
Bình luận (0)