Đã bị Grab khóa tài khoản, các tài xế Uber hết đường quay trở lại sau sáp nhập nên rao bán xe còn một số tài xế Grab cũng rao bán tài khoản có chiết khấu thấp hơn mức đăng ký.
Khách đón xe Uber, Grab tại ga Sài Gòn – Ảnh: T.T.D.
Các tài xế Uber cho biết khi Grab mua Uber Đông Nam Á, tài xế buộc phải qua Grab để đăng ký tài khoản mới với mức chiết khấu phải nộp lên tới 28,6% thay vì 20% đang nộp cho Uber.
Anh Hoàng Minh, lái xe UberCar (Từ Liêm, Hà Nội), cho biết trước giờ chỉ có một tài khoản để chạy cho Uber.
"Hôm qua, khi nhận được thông báo của Uber, tôi đã gọi điện lên tổng đài của Grab để hỏi và được biết tôi không thể chuyển tài khoản đang được hưởng chiết khấu 20% của Uber sang Grab mà phải lập một tài khoản mới với mức chiết khấu mà Grab đưa ra" – anh Hoàng Minh nói.
Nắm bắt tâm lý e ngại của nhiều tài xế lái xe Uber, trên các diễn đàn Facebook của nhóm lái xe Uber và Grab đã xuất hiện không ít thông tin rao bán tài khoản Grab đang được hưởng mức chiết khấu cũ là 20%, với giá khoảng 2 – 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đem vấn đề này hỏi nhân viên tư vấn Grab, phía Grab cho biết theo quy định, tài xế để người khác sử dụng tài khoản của mình sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
Hiện không ít tài khoản cá nhân của các tài xế UberX đăng tải trạng thái bán xe hơi vì không thể tham gia chạy GrabCar được.
Lý do là những người này trước đây đã từng chạy Grab và từng phản ứng mức chiết khấu mới của Grab nên bị cho là vi phạm quy định.
Ông Nguyễn Thanh Tiến – tài xế UberX – đang rao bán chiếc Kia Morning ngày 27-3 với giá 300 triệu đồng.
Theo ông Tiến, hôm qua biết tin Uber sáp nhập Grab và Grab không cho tài khoản đã khóa hoạt động lại, lời lãi không được bao nhiêu nên ông quyết định bán xe…
Trả lời Phóng Viên, đại diện Grab xác nhận khi tài xế từ Uber chuyển sang Grab phải đăng ký theo quy định của Grab là tạo tài khoản mới và tổng mức chiết khấu mà tài xế phải chi trả là 28,6%.
Đồng thời, chính sách của Grab là các tài xế đối tác của Uber đang được hưởng mức nộp chiết khấu 20% sẽ không được chuyển ngang khi đăng ký tài khoản mới của Grab.
Trong khi đó, nhiều lái xe Uber đang lên các diễn đàn cho rằng Grab khi mua lại doanh nghiệp cần kế thừa chính sách của Uber, không nên cắt quyền lợi của tài xế đang được hưởng tại Uber.
Trong một diễn biến khác, ngày 27-3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có văn bản gửi Công ty TNHH GrabTaxi.
Theo văn bản này, Cục cho biết cơ quan này cho biết có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, vì vậy yêu cầu Grab cung cấp các tài liệu liên quan giao dịch mua lại hoạt động của Uber Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Để có căn cứ đánh giá việc mua lại trên theo Luật Cạnh tranh của Việt Nam, các tài liệu Grab được yêu cầu cung cấp gồm hợp đồng mua lại Uber Đông Nam Á và tài liệu liên quan…
Bình luận (0)