Cuối tuần qua, tại Trường CĐ Kỹ nghệ II, gần 4.000 học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn Q.9 đã tham dự Ngày hội “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng GD-ĐT Q.9 và Trường CĐ Kỹ nghệ II tổ chức.
Ngày hội này nằm trong chuỗi chương trình tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS tại TP.HCM do Báo Giáo dục TP.HCM triển khai từ đầu tháng 3 đến nay. Chương trình không chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của nhà trường, phụ huynh học sinh mà còn từ phía Bộ LĐ-TB&XH cùng các sở/ngành chức năng.
Cầu nối giữa học sinh với các cơ sở dạy nghề
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) phát biểu khai mạc ngày hội
Phát biểu khai mạc ngày hội, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) thông tin, chương trình tư vấn phân luồng học sinh sau THCS do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với tên gọi “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 là hoạt động có quy mô lớn, ngoài 3 ngày hội ở huyện Bình Chánh, Q.12 và Q.9, chương trình còn đi qua gần 100 trường THCS tại TP.HCM, tiếp cận với trên 50 ngàn lượt phụ huynh và học sinh lớp 9. “Bên cạnh cung cấp các thông tin chính thống về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 tại TP.HCM, chương trình còn nhằm định hướng cho học sinh sau THCS các hướng đi phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội, góp phần cùng ngành giáo dục thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
GS.TS Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) tư vấn về hướng lựa chọn bậc học cho các em học sinh trong ngày hội
Ví chương trình là cấu nối giữa học sinh sau THCS với các cơ sở đào tạo nghề, GS.TS Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao ý nghĩa của chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Theo GS.TS Lê Quân, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, đặc biệt là học sinh lớp 9 có vai trò vô cùng quan trọng, giúp các em định hướng sớm nghề nghiệp của bản thân trong tương lai, từ đó chuẩn bị những kiến thức, năng lực cần thiết để hội nhập. “Trong bối cảnh mới, ngoài dạy chữ, học sinh còn cần phải được chú trọng trang bị kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập xã hội, kỹ năng học tập, làm việc để có thể có việc làm tốt. Vì vậy, hiện tại khi học hết lớp 9, các em có rất nhiều lựa chọn. Các em có thể tiếp tục học văn hóa theo hướng THPT nhưng cũng có thể kết hợp học văn hóa với học nghề… Hướng đi nào cũng trang bị cho các em kỹ năng và năng lực để gia nhập thị trường lao động”, GS.TS Lê Quân nhấn mạnh.
Em sẽ chọn học nghề! Tại ngày hội, em Nguyễn Thu Hiền (học sinh Trường THCS Hoa Sen) chia sẻ: Sau khi được tham quan 20 xưởng nghề khác nhau tại Trường CĐ Kỹ nghệ II, em nghĩ mình sẽ lựa chọn học nghề thay vì vào lớp 10 THPT. Khả năng học tập của em không quá xuất sắc, trong khi đó em rất thích nấu ăn, mong muốn được trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Học nghề đầu bếp, em vẫn có kiến thức văn hóa như các bạn học THPT mà vẫn theo đuổi được đam mê của mình.
Các em học sinh tham quan xưởng thực hành của Trường CĐ Kỹ nghệ II
|
Giải đáp những băn khoăn của học sinh về bằng cấp khi lựa chọn bậc học TC, CĐ từ sau THCS, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho hay, hiện tại thị trường lao động chỉ còn tồn tại 8 cấp bậc trình độ, bao gồm 3 bậc sơ cấp, TC, CĐ, ĐH, thạc sĩ và sau thạc sĩ. Do đó, quan điểm trường nghề, trường TCCN đã không còn tồn tại. “Dù học TC, CĐ hay học THPT từ THCS thì trình độ hiểu biết văn hóa của các em đều như nhau, đều có điều kiện để học lên các bậc cao hơn. Các em hãy tìm hiểu kỹ năng lực, sở trường của chính mình để lựa chọn bậc học phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất khả năng của bản thân”, TS. Nguyễn Thị Hằng nhắn nhủ.
19 tuổi có bằng CĐ trong tay!
“Xuất phát từ những hoạt động phân luồng, hướng nghiệp, người học sẽ tiếp cận sớm hơn, dễ dàng hơn chương trình đào tạo nghề để có hướng lựa chọn đúng. Với ý nghĩa đó, đại diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP, chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng hoạt động tư vấn hướng nghiệp của Báo Giáo dục TP.HCM”, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) bày tỏ. |
Đây là thông tin được GS.TS Lê Quân chia sẻ đến các em học sinh trong ngày hội. Theo đó, GS.TS Lê Quân cho biết thời gian tới (khoảng tháng 5-2019), Chính phủ sẽ thông qua Luật Giáo dục sửa đổi. Trong đó cho phép các trường TC, CĐ được tổ chức đào tạo văn hóa, cấp giấy chứng nhận trình độ văn hóa cho người học ngay trong một môi trường đạo tạo, vừa học nghề, vừa học văn hóa. “Học văn hóa sẽ trở thành nội dung song song trong chương trình dạy nghề mà không còn tách biệt như trước. Để đảm bảo rằng, người học bên cạnh kỹ năng nghề sẽ được trang bị kiến thức về văn hóa, đủ điều kiện liên thông lên các bậc học cao hơn…”, GS.TS Lê Quân cho biết.
Thông tin chi tiết hơn, GS.TS Lê Quân cho hay, ngay khi học sinh tốt nghiệp THCS, cánh cửa học TC, CĐ cực kỳ rộng mở. Các em có thể theo học TC với thời gian đào tạo là 3 năm. Ra trường vừa có bằng TC nghề và giấy chứng nhận văn hóa; đồng thời các em cũng có thể lựa chọn học hệ liên thông CĐ với chương trình đào tạo là 4 năm, vừa học văn hóa, vừa học chương trình TC và liên thông CĐ. “Ở hệ này, 19 tuổi các em có thể có bằng CĐ và gia nhập thị trường lao động, trở thành những người thợ lành nghề hoặc học tiếp lên ĐH”, GS.TS Lê Quân nói.
Bên cạnh đó, GS.TS Lê Quân cho rằng nhu cầu xã hội hiện tại, đặc biệt là thời hội nhập đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng cao. Bằng cấp đang được thay thế dần bằng các yếu tố tổng thể khác, trong đó năng lực tay nghề luôn là yếu tố được đánh giá cao. “Hàng năm luôn tồn tại tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH quay trở lại học nghề để được đào tạo lại và hội nhập. Vì vậy, các em hãy lựa chọn cho mình một bậc học phù hợp làm sao có thể đáp ứng nhu cầu xã hội”, GS.TS Lê Quân nhắn nhủ.
Cùng ngày, chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 đã diễn ra tại nhiều trường THCS trên địa bàn Q.10: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Văn Thụ, Lạc Hồng, Sương Nguyệt Anh, Diên Hồng… với sự tham gia của hàng ngàn học sinh lớp 9 và phụ huynh.
Học sinh Trường THCS Lạc Hồng (Q.10) nghe các chuyên gia tư vấn tại chương trình |
Chung nhận định, ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhấn mạnh: Sau THCS, dù học sinh lựa chọn bậc học nào thì khi hội nhập thị trường lao động cũng cần phải có kỹ năng chuyên môn, đạo đức, ứng dụng được CNTT và giao tiếp tốt ngoại ngữ. Với 4 nhóm ngành nghề cơ bản trong thị trường lao động: Công nghệ, kỹ thuật tự động hóa, khoa học sáng tạo; Thiết kế, ứng dụng, môi trường; Quản trị kinh doanh, tài chính; Dịch vụ, quản trị dịch vụ, y tế đều được đào tạo từ bậc TC, CĐ, đảm bảo người học hội nhập tốt với quốc tế.
Yến Hoa
Bình luận (0)