Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sau xăng dầu đến lượt cước vận tải tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TPHCM (bao gồm cả hàng hóa và hành khách) đang tính toán để chuẩn bị tăng giá cước vận tải sau khi giá xăng, dầu tăng vào chiều 7-3.

Việc giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít, ngay lập tức doanh nghiệp vận tải cũng tính toán chuẩn bị tăng giá cước để bù đắp cho chi phí về nhiên liệu.

Việc tăng giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá theo.

Trao đổi với PV chiều 8-3, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh, cho biết chắc chắn công ty ông sẽ phải tăng giá cước, bởi chi phí nhiên liệu của ngành vận tải đã chiếm từ 45-50% giá thành vận tải. Nếu xăng dầu tăng mà doanh nghiệp không tăng cước vận chuyển thì không có lợi nhuận.

Về mức tăng và thời điểm tăng, ông Khánh cho biết, mức tăng sẽ được thỏa thuận với chủ hàng, nếu chủ hàng chấp thuận thì công ty mới vận chuyển. Việc tăng giá nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào quãng đường vận chuyển xa hay gần. Về thời điểm tăng dù không cho biết cụ thể nhưng ông Khánh nói mức tăng sẽ được thực hiện trong vài ngày tới.

Cũng giống như Công ty Kim Lợi Minh, ông Nguyễn Ngọc Dân, Giám đốc Công ty Giao nhận Vận tải Hải Dương khẳng định, mức tăng giá cước sẽ tương đương với mức tăng giá xăng dầu, tức là khoảng 10%.

Ông Dân còn cho biết thêm, trong đợt biến động giá xăng dầu năm ngoái, lượng khách hàng của công ty sụt giảm đáng kể và để tránh tình trạng này, năm nay công ty sẽ không tăng giá ngay mà chỉ tăng sau khoảng 1 tuần kể từ thời điểm giá xăng dầu tăng.

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng taxi, việc giá xăng tăng cũng buộc các doanh nghiệp này phải tăng giá cước theo. Ông Trương Quang Mẫn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng “giá xăng dầu tăng buộc chúng tôi phải tăng giá cước taxi lên 6% nữa, hiện nay công ty chuẩn bị gửi bản kê khai điều chỉnh giá cước cho các cơ quan chức năng của TPHCM, sau 3 ngày gửi văn bản cho cơ quan chức năng công ty sẽ áp dụng giá cước mới".

Khác với các doanh nghiệp vận chuyển hành khách bằng taxi, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại bến xe miền Đông đến thời điểm này vẫn áp dụng giá cước cũ. Tuy nhiên, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, việc tăng giá cước có thể sẽ được các doanh nghiệp thực hiện sau 1 tuần nữa. Mức tăng theo ông Hải có thể chỉ từ 10% trở xuống bởi nếu tăng quá cao thì nhà xe sẽ mất khách. Các doanh nghiệp vận tải chỉ được tăng giá cước khi có bản kê khai gửi Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính TPHCM.

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)