Hằng ngày uống cà phê được xem như thói quen không thể bỏ của nhiều người. Tuy nhiên, nếu uống nhiều cà phê trong một ngày cũng có những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Đi cấp cứu vì huyết áp tăng cao
Anh Nguyễn Văn Thưởng (Hà Nội) vẫn có thói quen uống cà phê vào mỗi sáng. Trung bình mỗi ngày anh uống từ 2-3 ly cà phê. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Thưởng, vì nghiện và vui bạn bè nên anh uống nhưng thực sự sau khi uống xong cảm thấy người mệt mỏi, buồn ngủ…
Còn chị Trần Thu Hoài (Bắc Ninh) lại bị say sau khi uống cà phê. Chị cho hay, mỗi lần uống cà phê dù ít nhưng chị cảm thấy mệt mỏi, đầu óc quay cuồng, tay chân rã rời. Đã có lần chị phải đi viện cấp cứu với các biểu hiện hạ huyết áp, hạ canxi máu. Từ đó về sau, chị Hoài không dám uống cà phê nữa.
Trong một kết quả thực nghiệm, tinh cà phê trong 3 ly cà phê có tác dụng ngang với một mũi kích thích. Hai giờ đồng hồ sau khi uống nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng cà phê đối với bà mẹ mang thai hay cho con bú cũng không hề tốt, phụ nữ trong tuổi sinh nở có thể giảm khả năng thụ thai.
Theo TS Nguyễn Quyết Tiến, Viện Hóa học (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), thành phần chủ yếu của cà phê là cafein, còn lại là một số chất khác thuộc nhóm axit. Cafein có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, làm gia tăng các hoạt động thể chất có liên quan đến hệ thần kinh như hoạt động trí não, gia tăng trạng thái thức tỉnh, gia tăng hoạt động tư duy, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng hoạt động của cơ bắp… Còn nhóm chất axit có nhiều chất khác nhau, trong đó tác dụng tốt cũng có nhưng tác dụng xấu cũng nhiều.
Nước hòa tan cafein
Bên cạnh đó, TS Tiến cũng cho rằng, vì hàm lượng cafein nhiều trong cà phê, chất này lại tan trong nước vì thế nó có thể còn nhiều nếu chế biến không tốt. Điều này sẽ dẫn đến người uống cà phê đậm đặc hay nhiều có thể bị kích thích thần kinh lên não, từ đó dẫn đến các tình trạng như minh mẫn “giả” hay khó ngủ, thậm chí say kiểu nhiễm độc. Ngoài ra, chất cafein cũng được xem như chất lợi tiểu, vì thế trước đây được dùng nhiều để thay thế thuốc.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Cà phê có hương vị thơm ngon nhưng chất cafein có trong đó là một chất độc. Nếu uống nhiều về số lượng và mức độ đậm đặc sẽ gây độc hại cho thần kinh, thậm chí là ức chế mạnh gây loạn óc”.
Uống cà phê cũng có thể bị say, nhất là những người uống không quen do độc tố của cà phê tác động vào máu gây ra hiện tượng trúng độc. Người mẹ mang thai, cho con bú không nên uống cà phê bởi chất độc sẽ thông qua máu và ngấm vào sữa, chất dinh dưỡng nuôi con. Từ đó, chất độc sẽ truyền cho con gây ức chế trẻ, làm trẻ say, đau đầu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trẻ.
PGS.TS Duy Thịnh cũng tư vấn cách giải say do độc của cafein khi uống quá nhiều cà phê bằng các cách đơn giản như sau: Khi bị say cần uống nhiều nước lọc, vì chất cafein ngấm vào máu rất nhanh nhưng lại dễ hòa tan trong nước và bài tiết qua nước tiểu. Vì thế, uống nhiều nước sẽ giúp pha loãng cũng như bài tiết nhanh chất độc này.
Theo Hiền Dung
Bee
Bình luận (0)