Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Say lòng trên đỉnh Dran

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu muốn chọn một tour du lịch nội địa tuyệt vời nhất trong mùa xuân này, hãy chọn Đơn Dương – Dran – Đà Lạt. Mời bạn cùng chúng tôi du xuân trên hai ngọn đèo tuyệt đẹp này…
Phóng túng và lãng mạn
Năm 1978, lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt từ hướng Nha Trang. Chiếc Peugeot cũ kỹ dùng để chở khách chạy mệt mỏi từ thung lũng Ninh Sơn thuộc tỉnh Ninh Thuận ì ạch leo đèo Ngoạn Mục.
Đến thị trấn Đơn Dương xe vượt đèo Dran lên Đà Lạt. Khi ấy hai ngọn đèo Ngoạn Mục và Dran đã cuốn hút tôi. 10 năm sau Đà Lạt trở thành quê hương thứ 2 của tôi và tôi nhận ra đó là những miền cảm hứng bất tận mà thiên nhiên hào phóng tặng cho Cao nguyên Langbian.
Và mùa xuân này, Ngoạn Mục và Dran, một lần nữa làm tâm hồn tôi ngất ngây khi được đặt chân lên những thảm cỏ xanh mát lạnh ven đèo, ngắm nhìn những ngọn núi hùng vĩ chìm dần trong chiềc xanh thẫm…
Dran là thị trấn huyện lỵ Đơn Dương trước kia. Từ Đơn Dưong có hai hướng lên được thành phố hoa Đà Lạt: hướng đi qua ngã ba Phi Nôm, qua đèo Prenn; hướng qua đèo Dran, qua Cầu Đất – một địa danh rất nổi tiếng, còn cao hơn cả Đà Lạt, nơi nhà thám hiểm – bác sỹ A. Yersin – người khám phá ra Đà Lạt đã từng trồng thử nghiệm cây canh – ky – na để chế biến thuốc trị bệnh sốt rét.
Từ thị trấn Tân Sơn của huyện Ninh Sơn, bạn đã hình dung ra sự “ngoạn mục” của đèo Ngoạn Mục, khi nhìn thấy hai đường ống dẫn nước sáng loáng của Nhà máy thủy điện Đa Nhim như từ trên trời đổ xuống. Đường lên đèo, thỉnh thoảng xe bạn chui dưới hai đường ống dẫn nước thủy điện, lao vào những khu rừng già như có từ ngàn năm. Những khúc cua “chết người” và những độ dốc dựng đứng cho bạn biết thế nào là đèo “Ngoạn Mục”.
Nhưng thú vị nhất là sự thay đổi thời tiết, càng lên cao không khí càng dịu mát. Những ngọn gió càng phóng túng và lãng mạn, lồng ngực bạn thoải mái hít thở không khí trong lành, dịu mát của rừng, của núi, của mây. Gần hết đèo Ngọan Mục, một vài cây thông xuất hiện, như báo hiệu cho bạn biết cách đó không xa là Đà Lạt thông reo.
Hết đèo Ngoạn Mục là đến thị trấn Đơn Dương, một thị trấn bé nhỏ và hiền dịu đến nhu mì. Những quán cà phê yên tĩnh, cô độc; những vườn cà chua “trái hồng như trái ngực”; những vườn hồng trơ cành vào mùa đông, trĩu quả vào hạ; những vườn rau thơm ngát, xanh rì; những thiếu nữ má hồng như những quả cà chua mới ửng chín, khép nép trong những chiếc áo lạnh hờ hững…
Có nhiều thời gian sống ở thị trấn nhỏ bé này, tôi vẫn chưa hiểu hết về Đơn Dương. Nhưng có thể hình dung nó như là một cô gái dậy thì vào buổi sáng; một nàng tiên nữ thuần khiết và kiêu hãnh khi chiều xuống. Sự thuần khiết và kiêu hãnh đó chinh phục bạn đến cuồng si. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thời kỳ dạy học ở B’lao cũng rất mê Đơn Dưong, Ka Đô- một thị trấn cũng gần với Đơn Dương. Một số bài tình ca của ông đã ra đời ở đây, bên cạnh cây ghi-ta bập bùng làm núi rừng thêm hoang vu.
Thời tiết ở Đơn Dương cũng hết sức lạ lùng, buổi chiều tối và sáng sớm mùa đông thì giá rét, rét chịu không nổi, giống như cái rét Hà Nội mùa đông, nhưng đến trưa lại nồng ấm đến vô cùng, đó là thời tiết đặc trưng của miền thung lũng ở độ cao gần 1.000 mét.
Một đêm ở Đơn Dương bên ly rượu, ngắm sao trời trong vắt; buổi sáng tinh mơ bên ly cà phê đen, bạn đủ trầm tĩnh để hiểu về cái thị trấn đặc biệt này, vì sao nó chinh phục được bạn.
Dran hút hồn
Đèo Dran nối liền Đơn Dưong với Trạm Hành, Trại Mát, Cầu Đất, Xuân Thọ, Xuân Trường, để đến Đà Lạt. Thực chất đèo Dran chỉ dài hơn 10 km, từ thị trấn Đơn Dương đến Cầu Đất – điểm được coi là cao hơn cả Đà Lạt. Từ Cầu Đất, đèo Dran bắt đầu đổ đèo xuôi về Đà Lạt. Đây là vùng đất cũng hết sức đặc biệt, mà A. Yersin gọi là “Langbian nhỏ” trong lần thứ 3 chinh phục Langbian năm 1893.
Thời Pháp thuộc, vượt qua đèo Dran là con đường chính để đến Đà Lạt từ hướng Ninh Thuận, sau này người ta khai thông con đường qua Thạnh Mỹ – ngã ba Phi nôm để lên đèo Prenn đến Đà Lạt, làm cho con đường đèo Dran trở nên hoang phế. Nhưng chính sự hoang phế này tạo nên một sức hút khác, sức hút của sự hoang sơ của núi đồi “Langbian nhỏ”.
Đèo Dran ngắn nhưng cực kỳ hiểm trở với những khúc cua không tưởng. Những rừng thông bạt ngàn, gìa cỗi như có tự bao giờ chìm lẩn khuất trong mây. Du khách có thể “sờ” được mây, được sương, bởi mây và sương luôn bất chợt hiện ra lúc ở giữa lưng chừng đèo, lúc ở đỉnh đèo, như muốn ôm bạn vào lòng. Cứ mỗi km vượt đèo Dran, bạn như đang đi thẳng vào xứ sở ôn đới, bởi nhiệt độ thay đổi rất nhanh chóng, chẳng bao lâu bạn chìm trong khí hậu lạnh mát của Đà Lạt.
Đặc biệt ở Cầu Đất, nếu tiết trời đang xuân, bạn có thể hưởng cái lạnh khỏang 4-5 độ C vào ban đêm hoặc sáng sớm. Đó là cái lạnh trong ngần, hoang dã, tinh khiết trong thoang thỏang hương chè bạt ngàn, xanh rì từ những nông trường chè bất tận. Một ly rượu canh -ky – na làm buổi tối Cầu Đất ấm lại; một ly cà phê đen buổi sáng, làm tan sương đặc quánh bên quán nhỏ ven đồi, bạn mới hiểu rằng vì sao Cầu Đất từng thu hút người Pháp đến vậy.
Chính con đường này A. Yersin đã đi trong lần thứ 3 thám hiểm Langbian. Ở đó ông gặp bộ tộc người Lat bên dòng suối xanh biếc. Ông gặp một cảnh quan huyền diệu của “Langbian nhỏ” và chợt nhớ đến câu ngạn ngữ Latin: “Dat Aliis Laetitian Aliis Temperriem” (cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu). Như một sự tình cờ, 5 chữ đầu tiên của câu ngạn ngữ có 5 từ kia ghép lại thành DALAT!
Đến Cầu Đất, bạn nên biết về cây chè ở đây. Nó mới làm nên thương hiệu trà Lâm Đồng. Những cây chè cổ thụ, có tuổi trăm năm vẫn còn. Những nông trang chè xanh mướt, hình ảnh những người công nhân lặng lẽ hái che trong sương xanh tịch đến vô ưu.
Chiều sâu Dran
Dọc tuyến du lịch này, bạn có thể tắm mình trong thiên nhiên nếu biết cách tổ chức và thưởng thức nó, bằng những cuộc picnic nho nhỏ vài ba ngày với bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Dọc đèo Ngoạn Mục vô cùng bình yên, bạn có thể hạ trại. Dọc đèo Dran cũng vậy, hoàn toàn yên tĩnh và tinh anh, cái tinh anh của đất trời buổi sáng, buổi chiều và khi màn đêm buông xuống, để bạn không phải bị chi phối bởi bất kỳ điều gì ngoài lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên.
Mùa xuân, bạn có thể ngắm hoa đào Cầu Đất, Trạm Hành. Những cây đào cổ có tuổi gần năm, hoa chi chít, màu hồng quí phái, thân đào như có hoa văn của thời gian. Hoa cà phê trắng tinh anh, ngọt ngào khoe sắc bên trong những khu vườn nhà yên tĩnh. Những đóa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ bên đường làm bạn nao lòng.
Và còn nữa: những ngôi nhà gỗ trong sương. Hầu hết cư dân ở vùng đất này đều sống trong những ngôi nhà làm bằng gỗ thông nghe như nhựa thông tỏa mùi ấm áp. Tôi thích ngắm những làn khói xanh trong màu lam chiều Cầu Đất, Trạm Hành…
Những làm khói ấy làm cho người lữ khách cô đơn như càng cô độc hơn, nó làm bạn thấy cuộc hành trình ấy thi vị biết chừng nào. Ở đó còn có những người con gái cao nguyên hiền lành nhưng phảng phất vẻ bí ẩn của những đóa dã quỳ cuồng dại, đa tình…
Chiều sâu của Dran là bất tận như đỉnh Langbian huyền diệu, như những ngọn gió phóng túng thổi ào ạt, bất tận trên cao nguyên huyền bí, ẩn chứa những điều hư huyền nhưng rất thực. Chiều sâu ấy thúc giục người lữ khách lên đường…
Theo – Người lao động
 

 

 

Bình luận (0)