Đối với người đi tìm việc làm, bằng cấp là tấm giấy thông hành đầu tiên để bước vào cánh cửa tuyển dụng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Vì thế ngoài việc bồi dưỡng kiến thức, sinh viên năm cuối phải được tiếp tục trang bị một số kỹ năng cần thiết để hội tụ được nhiều yếu tố khi trở thành ứng viên dự tuyển. Tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức vừa qua, ông Phạm Chương Khoa, đại diện Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết: “Khi chọn nhân viên chúng tôi có chú ý đến tác phong, ngoại hình, cử chỉ…, nhưng đó không phải là tiêu chuẩn đầu tiên mà các ứng viên phải có những tố chất cần thiết khác như gắn bó và say mê công việc. Có như vậy mới đem lại hiệu suất cao”. Theo ông Khoa, nếu có tinh thần kỷ luật, đạo đức tốt và ham học hỏi thì các ứng viên sẽ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn trong công việc, biến khó khăn thành thuận lợi cho cá nhân và tập thể.
Nhiều ý kiến của sinh viên cho rằng, trên thực tế vẫn có sự phân biệt đối xử khi các nhà tuyển dụng công khai từ chối ứng viên nữ dù đó là công việc chung của cả hai giới. Có kinh nghiệm cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của các nhà tuyển dụng khi đứng trước ứng viên. Tuy nhiên, thực tế có một mâu thuẫn là sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường chưa có một ngày đi làm thì làm sao có kinh nghiệm?
Về vấn đề này, ông Lê Văn Dũng, đại diện Công ty TNHH Cargill Việt Nam, chia sẻ: “Thay vì đi tìm kinh nghiệm các em có thể xây dựng cho mình một cảm xúc trong khi chọn nghề bằng niềm đam mê không gì dập tắt được”. Theo ông Dũng, từ niềm đam mê cháy bỏng đó, người lao động sẽ có những ý tưởng hay để dẫn dắt thành công này đến thành công khác. Không biến mình thành một con rối thụ động, người lao động phải biết làm khối lượng công việc cho sẵn trong thời gian ít nhất để từ đó đề đạt lên cấp trên những công việc khác mà mình có thể đảm trách được. Cái được của cá nhân không chỉ tạo được giá trị sản phẩm mà còn tạo niềm tin để có một ê-kíp làm việc ăn rơ.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng khẳng định, ứng viên có thể chưa giỏi nhưng phải có chuyên môn, rành nghiệp vụ. Thành công luôn là phép cộng của các yếu tố kiến thức, kỹ năng, thái độ được thử thách qua thời gian và công việc. “Tài năng rất cần nhưng chưa đủ. Nếu anh bất hợp tác thì vẫn không bằng một con người có chuyên môn nhưng cần cù chịu khó và ham học hỏi vì 70% kiến thức chủ yếu được học qua công việc”, ông Dũng chia sẻ.
N.Quang
Bình luận (0)