Giá bia trên thị trường tiếp tục có dấu hiệu bất thường khi nhiều đại lý “ôm” hàng nhưng ít chịu bán ra, chờ giá tăng thêm. Muốn mua được hàng số lượng tương đối nhiều phải chấp nhận giá cao hơn giá thị trường. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều cửa hàng trong mấy ngày qua.
Bia đang bị làm giá và người tiêu dùng tiếp tục bị móc túi – Ảnh: N.C.T. |
Mua ít giá thấp, mua nhiều giá cao!
Chị Ngọc, chủ cửa hàng kinh doanh nước giải khát Hà trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), than trời khi “toa” đặt mua 40 thùng bia 333 từ một đại lý cấp 2 ngoài ngã tư Bảy Hiền đã ba ngày qua vẫn chưa được duyệt. “Ba ngày trước chốt giá với tui 230.000 đồng/thùng, tức đã tăng 10.000 đồng/thùng so với trước, giờ đòi 235.000 đồng/thùng mới giao hàng”, chị Ngọc bực dọc.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Thanh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh rượu bia trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình), cũng cho biết nhiều khách hàng hỏi mua bia 333 nhưng vẫn hết hàng. Hơn một tuần nay, bia 333 đứng ở mức 230.000 – 235.000 đồng/thùng, có thời điểm nhảy lên 240.000 đồng/thùng.
Lượng bia tiêu thụ tăng
Theo Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco (trực thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn), công suất sản xuất bia của Sabeco liên tục tăng trong các năm vừa qua.
Năm 2009, tổng lượng bia các loại tiêu thụ đạt 907 triệu lít, tăng ít nhất 50 triệu lít so với kế hoạch đặt ra. Riêng bia 333 tiêu thụ đã tăng thêm 70 triệu lít (tăng 39,8%) so với năm 2008, tương ứng khoảng 245 triệu lít, bia chai Sài gòn đỏ tăng 36,9%, tương ứng 108 triệu lít, ước đạt 400 triệu lít trong năm nay.
|
Trong khi đó chị Thanh Vân, chủ một đại lý bia, nước giải khát ở gần chợ Tân Bình (P.8, Q.Tân Bình), cũng dứt khoát từ chối khi chúng tôi đề nghị mua 50 thùng “ken lùn” (330ml): “Hàng chỗ tui không thiếu. Nhưng nhiều người mua quá nên tui… không bán vì hàng này tui để bán cận tết, được giá hơn. Nếu mua chục thùng tui bán cho giá 350.000 đồng/thùng, còn 50 thùng trở lên giá phải 355.000 đồng/thùng!”.
Tại khu vực quận Thủ Đức, chị Phương, chủ cửa hàng bia, nước giải khát ở đường Kha Vạn Cân, cho rằng giá các loại bia tăng ở các cửa hàng nhỏ lẻ phần lớn do các nhà phân phối cấp nhỏ trữ hàng chưa chịu bán nhằm đẩy giá lên nữa.
Mới đây, chị Phương đã liên hệ với đại lý cấp 1 thì được biết giá bia 333 là 200.000 đồng/thùng, “ken lùn” 312.000 đồng/thùng, có hàng giao ngay. Tuy nhiên, những cửa hàng nhỏ như của chị Phương lại không thể mua thẳng được hàng từ đại lý cấp 1 (do số lượng đặt mua chỉ vài ba chục thùng) mà phải thông qua đại lý cấp 2, cấp 3… nên hoàn toàn bị lệ thuộc các đại lý này.
Nhiều tầng nấc nên giá cao
Với giá giao tại nhà máy cho đại lý cấp 1 chỉ 170.000 đồng/thùng đối với bia 333, Sài Gòn đỏ khoảng 118.000 đồng/két, và 93.000 đồng/két cho loại Sài Gòn xanh, có thể thấy mức giá xuất xưởng của thương hiệu bia này có giá khá mềm. Tuy nhiên, với hình thức phân phối mua đứt bán đoạn mà Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco (trực thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn) đang thực hiện cho hệ thống đại lý phân phối của mình, việc kiểm soát được giá bán cuối cùng đến tay người tiêu dùng là rất khó.
Chẳng hạn so với giá xuất xưởng của bia 333, giá bán trung bình ngoài thị trường đã chênh lên khoảng 35,2%, còn so với giá bán của đại lý cấp 1 thì tăng khoảng 20% mặc dù đây chưa phải cận tết – thời điểm giá bia thường tăng nóng nhất. Ngay cả bia Heineken, Tiger… dù hệ thống phân phối không phải mua đứt bán đoạn mà là chiết khấu hoa hồng cũng không thể kiểm soát được giá bán khi giá bia Heineken liên tục biến động trong một tháng qua. Thực tế, cả bia 333 lẫn Heineken đều đang được chạy máy vượt công suất ít nhất 20-30% so với kế hoạch nhà máy đặt ra nhưng thị trường vẫn cứ “kêu” thiếu hàng.
Hiện nay mặc dù chưa phải là cao điểm để người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho ngày tết, nhưng thị trường vẫn tràn ngập thông tin thiếu hàng, do đó không loại trừ khả năng một đại lý lớn “ôm” bia số lượng cực lớn tung ra thị trường. Vì vậy, để người tiêu dùng không phải trả một khoản tiền lớn cho những chênh lệch giá do các đại lý tự ý nâng lên chính là việc tổ chức lại hệ thống phân phối của các hãng bia.
TRẦN VŨ NGHI – BẠCH HOÀN/ TTO
Ông Văn Thanh Liêm, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco (thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn):
“Chúng tôi không thể kiểm soát được giá”
* Thưa ông, vì sao Sabeco chọn hình thức phân phối mua đứt bán đoạn, dù biết với phương thức này Sabeco rất khó kiểm soát giá bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng?
– Năm 1998, chúng tôi từng có hệ thống đại lý phân phối theo phương thức chiết khấu hoa hồng. Nhưng mô hình này chỉ tồn tại được một vài tháng thì phá sản vì khách hàng không chịu nhận làm đại lý của công ty nữa với lý do hiệu quả kinh doanh không khả quan. Chính vì vậy, công ty mới chuyển đổi sang mô hình mua đứt bán đoạn và duy trì đến nay dưới tên gọi nhà phân phối cấp 1. Tôi cho rằng trong hệ thống kinh doanh cần có ba cấp kinh doanh như thế (tức cấp 1, 2 và 3 – PV).
* Nhưng người tiêu dùng đang chịu quá nhiều thiệt thòi khi phải mua với giá rất cao vào dịp lễ, tết do qua quá nhiều tầng nấc trung gian. Đáng lý ra đây là thời điểm Sabeco cần phải kiểm soát được giá bán?
– Đúng là chúng tôi không thể kiểm soát được giá vào những lúc như thế này. Thời gian này thường chỉ diễn ra khoảng một tháng trong năm và nhu cầu thường tăng ngoài khả năng đáp ứng của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy để giải quyết được căn cơ tình trạng nói trên, tức có thể ổn định được giá bán vào những thời điểm “nhạy cảm”, ngoài việc tiếp tục cải tiến hệ thống phân phối trong thời gian tới, giải pháp tăng sản lượng sản xuất để cân đối lại nhu cầu thị trường là điều Sabeco sẽ thực hiện được. Với bảy dự án nâng cao công suất sản xuất bia ước lên đến 500 triệu lít được đưa vào vận hành từ năm 2010 trở đi, chúng tôi tin thị trường sẽ vận hành ổn định và người tiêu dùng sẽ mua được bia với mức giá hợp lý.
TRẦN VŨ NGHI thực hiện
|
Bình luận (0)