Đại diện TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho hay, cơ quan này vừa điều chỉnh kế hoạch bán vốn nhà nước nhằm bán hết phần vốn nhà nước tại 420 DN từ nay đến hết năm 2012.
Theo kế hoạch này, SCIC sẽ điều chỉnh, bổ sung 50 DN vào danh sách bán vốn nhà nước năm 2011 và điều chỉnh, bổ sung 53 DN vào danh sách các Cty cần bán phần vốn nhà nước năm 2012. Trước việc điều chỉnh bán vốn của SCIC, có ý kiến cho rằng SCIC chưa nên vội vàng bán vốn nhà nước. Những ý kiến này cho rằng tình hình thanh khoản trên thị trường tài chính chưa có dấu hiệu khả quan. Vì thế, bản thân các DN mà SCIC đang nắm vốn cũng gặp những bất lợi, trong khi SCIC cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên cũng nhiều chuyên gia cho rằng, tiến độ thoái vốn của SCIC là quá chậm. Chính vì việc thoái vốn quá chậm mà SCIC đã bị “mang tiếng” là đầu tư dàn trải, vốn manh mún ở quá nhiều DN và lĩnh vực. Thậm chí là với số vốn ở số lượng DN quá nhiều, có ý kiến lo ngại rằng SCIC sẽ quá tải trong việc quản lý vốn này. Chính vì thế, đây rất có thể là một “động lực” cho việc SCIC đẩy nhanh tiến độ bán vốn.
Trao đổi với PV Lao Động, đại diện SCIC cho biết, bản thân SCIC cũng nhận thấy việc quản lý phần vốn của SCIC vẫn còn quá dàn trải. Sự dàn trải này không chỉ ở số lượng DN mà cả ở phần vốn và lĩnh vực đầu tư. Đây cũng chính là đòi hỏi việc SCIC phải tăng cường và đẩy nhanh tiến độ bán vốn tại các DN, nhất là tại các DN nhỏ. Liên quan đến việc bán vốn, đại diện SCIC cho biết, việc SCIC khẩn trương bán vốn là để phục vụ cho việc tái cơ cấu DN, bán vốn, thu hồi vốn để chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, then chốt cũng chính là chủ trương của Chính phủ và cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ SCIC.
Theo SCIC, chủ trương của DN trong thời gian tới là triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động đầu tư. Trong thời gian tới, SCIC xác định sẽ đẩy mạnh hơn mảng đầu tư trọng điểm, trong đó chú trọng đến đầu tư dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao…
Đồng thời, SCIC sẽ đẩy mạnh đầu tư theo nhiều hình thức như đầu tư tài chính, đầu tư dự án… Trong đầu tư dự án có thể lựa chọn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và ưu tiên đối với những dự án, ngành, lĩnh vực trọng điểm. Đại diện của SCIC cho biết, SCIC đã hợp tác cùng EVN đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh; đang xúc tiến phối hợp với các NĐT trong nước và quốc tế để triển khai các dự án trọng điểm như Thủy điện Lai Châu. Đặc biệt, một lĩnh vực mới mẻ là SCIC sẽ tham gia đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số dự án trọng điểm hạ tầng giao thông quan trọng…
TGĐ SCIC Lại Văn Đạo cho hay: Mục tiêu của SCIC không đơn thuần chỉ là đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại các DN, mà còn chủ động trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN và đầu tư theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế.
Hải Minh
Theo Lao Động
Bình luận (0)