Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sẽ cấm xe giường nằm vào nội thành TP HCM

Tạp Chí Giáo Dục

TP HCM lên kế hoạch cấm xe giường nằm vào nội thành nhằm bảo đảm an toàn giao thông cũng như chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại nhiều năm nay…
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa cho biết kế hoạch cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm TP HCM dự kiến trình UBND thành phố trong tháng 11 và triển khai vào tháng 12-2022. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trong nội đô cũng như giải quyết thực trạng xe dù, bến cóc.
Hai giai đoạn cấm xe
Theo ông Võ Khánh Hưng, kế hoạch này có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, cấm xe khách giường nằm vào nội thành từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Đến giai đoạn 2, từ năm 2025 trở đi, sẽ hạn chế thêm ôtô trên 30 chỗ hoặc trên 16 chỗ.
Quốc lộ 1 đi qua TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh; đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, quận 7); đường Võ Chí Công (TP Thủ Đức); đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức); đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức); xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) được xác định là vành đai ngăn các phương tiện này đi vào.
Sẽ cấm xe giường nằm vào nội thành TP HCM - Ảnh 1.
Một xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vì có vi phạm

Những năm qua, Sở GTVT thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc trong khu vực trung tâm như tổ chức lại luồng tuyến, hạn chế xe tải nặng lưu thông vào ban ngày và xe tải nhẹ lưu thông vào các khung giờ cao điểm. Một giải pháp đáng kể nữa là hạn chế phương tiện có kích thước lớn (xe khách) chạy vào một số tuyến đường nhỏ, điển hình như cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ trên đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn (quận 10), đường Nguyễn Trãi (quận 5)…
Ngành giao thông cũng áp dụng một số giải pháp như cấm ôtô dừng đỗ trên các đường ở trung tâm như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Minh Khai… Ngoài ra, tháng 3-2020, Sở GTVT cũng lắp camera trên 14 tuyến đường khu vực quận 5 và xung quanh Bến xe Miền Đông để phạt nguội xe dừng đỗ, đón trả khách sai quy định cũng như thí điểm nhiều vị trí đón trả khách trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13.
Đồng thời, với những giải pháp trên, Sở GTVT ban hành nhiều kế hoạch phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM để tăng cường tuần tra, xử lý xe dù bến cóc. Tuy nhiên, nhìn chung chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể xử lý triệt để.
Thống kê của sở này cho thấy thành phố có hơn 100 điểm đón trả khách ở trụ sở nhà xe, bãi xe, cây xăng… Trong đó, nhiều xe núp bóng chạy hợp đồng, du lịch nhưng hoạt động như tuyến cố định gây ảnh hướng các xe trong bến, chưa kể tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Chuyên gia lên tiếng
Nhìn nhận về đề xuất cấm xe khách giường nằm lưu thông vào nội thành của Sở GTVT, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng bất cứ giải pháp cấm nào cũng đều "chẳng đặng đừng". Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì việc cấm xe giường nằm vào nội đô nên thực hiện vì hiện nay tình hình ùn tắc giao thông diễn ra mỗi ngày, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Không chỉ cấm xe khách giường nằm mà xe tải chở hàng hóa khối lượng lớn cũng nên cấm.
"Thực tế, rất ít trường hợp xe giường nằm trên 30 chỗ chạy hợp đồng mà hầu hết đều chạy tuyến cố định. Đã là tuyến cố định thì phải chạy vào bến xe, chạy trong nội thành là sai" – ông Tính nhận xét và khẳng định việc cấm xe khách giường nằm vào thành phố phần nào sẽ hạn chế thực trạng xe dù bến cóc bát nháo hiện nay.
Ủng hộ việc cấm xe khách giường nằm, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng lẽ ra TP HCM phải lập vành đai cấm từ lâu. Không chỉ xe khách giường nằm, theo TS Thuận, thành phố phải yêu cầu các doanh nghiệp xe buýt, xe đưa rước công nhân dần chuyển đổi sang phương tiện dưới 50 chỗ cho phù hợp với hạ tầng giao thông vốn chật hẹp (ngoại trừ xe ngoại giao…).
TS Phạm Viết Thuận cho rằng đối với những bến cóc, xe dù thật sự gây ùn tắc giao thông và tạo cảnh bát nháo, thành phố nên kiên quyết dẹp. Song song đó, để đáp ứng nhu cầu có thật của hành khách, tức là khách ngại di chuyển quá xa để tiếp cận nhà xe, thành phố cần tăng cường các bến bãi tạm để trung chuyển một cách trật tự. Thậm chí, nên tổ chức các bến xe trung chuyển tại các quận, huyện để tiếp cận hành khách dễ dàng hơn, không dồn về vài hướng khiến hành khách vì ngại khó khăn mà chuyển sang đi xe dù. 
Nan giải trong xử lý
Trong loạt bài "Giải mã 300 chuyến xe "mất tích" ở TP HCM" đăng từ ngày 27-10, phóng viên đã làm rõ thời gian trước và sau khi di dời Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), gần 1/3 trong số 300 chuyến xe này chuyển vào các bến xe khác. Số còn lại chạy hợp đồng, chạy "dù".
5-Anhbox-nhà-xe-Long-Vân-đón-khách-tại-cây-xăng-Anh-Phát-Anh-Vũ-(1)
Một nhà xe đón khách tại cây xăng ở TP HCM.

Tại một số khu vực gần Bến xe Miền Đông cũ như đường Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ, Quốc lộ 13… có tình trạng đón trả khách sai quy định tràn lan, nhà xe lợi dụng cây xăng để đón khách, nhiều trường hợp xe ngang nhiên dừng bắt khách ngay giữa đường. Tại bãi đậu xe số 39 nằm trên Quốc lộ 1 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), hàng chục xe khách nằm trong bãi. Đáng nói, có những nhà xe trong danh sách hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới nhưng tới đây đón khách…
Một cán bộ thanh tra sở GTVT nhận định việc ra quân xử lý xe dù bến cóc hiện nay chỉ giải quyết phần ngọn bởi lực lượng thanh tra không thể vào các cây xăng, bãi xe để xử lý vì như vậy là xâm nhập bất hợp pháp. Muốn xử lý thì phải có sự phối hợp của địa phương…
 
THU HỒNG (theo NLĐ)

Bình luận (0)