Chiều 9/2, Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) đã khởi động cuộc họp để biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng chuẩn. Sau 60 ngày, ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh. Khi ban hành chuẩn, sẽ kèm theo hướng dẫn sử dụng.
Tiến sĩ Giáo dục học Trần Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết những thông tin mới nhất sau khi dư luận mong Bộ GD-ĐT sớm lên tiếng về cách làm, tính khoa học của dự thảo "Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”.
Theo chuẩn 29 (khả năng sáng tạo), trẻ cần thể hiện cái mới, độc đáo trong trò chơi hoặc trong tạo hình như vẽ, nặn các vật theo ý tưởng riêng. Ảnh: nguoiviettre.org
|
Bà Trần Thị Ngọc Trâm cho biết: Tôi không trong nhóm tác giả xây dựng bản dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”, nhưng có tham gia một số hoạt động của quá trình xây dựng Dự thảo. Tôi được biết “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” được nghiên cứu theo qui trình khoa học, rất bài bản và công phu…
Từ năm 2005, đã có hội thảo định hướng xây dựng chuẩn. Sau đó, các nhóm tác giả được thành lập. Các nhóm tác giả có sự phối hợp liên ngành: Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và một vài bộ khác nữa có liên quan.
Trong quá trình xây dựng dự thảo chuẩn, có chuyên gia nước ngoài vào tập huấn về phương pháp, cách thức…Khi xây dựng chuẩn có sự hỗ trợ của UNICEF.
Dự thảo sau khi được xây dựng được áp dụng thử tại một trường mầm non ở quận Tây Hồ (Hà Nôi). Sau đó, các tác giả có chỉnh sửa và lấy ý kiến chuyên gia nhiều vòng. Cuối cùng, vào năm 2008, người ta tổ chức khảo sát tính xác thực của chuẩn tại một số tỉnh thành.
Sau khảo sát tính xác thực của Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, dự thảo tiếp tục được các tác giả chỉnh sửa, lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện và hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo “chuẩn”.
"Phải tìm hiểu, nghiên cứu đã"
– Với những am hiểu về quy trình biên soạn dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”, bà đánh giá thế nào về các lĩnh vực, cũng như những tiêu chí dự thảo đưa ra?
Tôi chỉ có ý kiến về quy trình xây dựng công phu, bài bản từ 2005 đến nay. Chuẩn đã bao gồm những lĩnh vực phát triển cơ bản của trẻ và sự chuẩn bị cho việc học của trẻ ở cấp tiểu học.
Còn đánh giá như thế nào về các tiêu chí cụ thể của bản dự thảo chuẩn thì chưa thể có ý kiến ngay, bởi vì chuẩn này đã được nghiên cứu, qua nhiều vòng lấy ý kiến.
Nêu những nhận xét chủ quan mà không có cơ sở khoa học thì chưa thể nói được, mà phải tìm hiểu, nghiên cứu đã.
– Qua khảo sát, nhiều ý kiến cho rằng để đánh giá trẻ 5 tuổi với 125 chỉ số thì quá nặng nề về tâm lý cho không chỉ giáo viên mà còn với cả phụ huynh. Bà có nhận xét gì?
Tôi cũng có theo dõi một số ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều khi, ở góc độ phụ huynh, có nhiều luồng ý kiến. Có phụ huynh nhìn vào thấy con mình đạt ở tất cả các chỉ số, nhưng cũng có phụ huynh thấy trẻ gần đạt ở chỉ số này nhưng vượt trội ở chỉ số khác. Đó là điều bình thường.
Ý nghĩa của Chuẩn khi được ban hành sẽ giúp định hướng cho giáo viên, phụ huynh theo dõi và hỗ trợ sự phát triển của con em mình.
Bộ công cụ thì có ý nghĩa như vậy. Theo tôi biết, khi ban hành Chuẩn chính thức sẽ có hướng dẫn sử dụng để phù hợp với đối tượng giáo viên, phù hợp với phụ huynh.
"Đừng lo cao quá hay thấp quá"
– Bà có nhận xét chuẩn này không thể phù hợp với mọi đối tượng. Vậy, theo đánh giá sơ bộ thì chuẩn này sẽ phù hợp với đối tượng trẻ ở những vùng, miền nào?
Chuẩn là những chỉ số phát triển chung nhất. Các chỉ số đó phản ánh mốc phát triển chung nhất ở trẻ độ tuổi này. Từng trẻ có thể vượt trội ở chỉ số này, nhưng có thể có chỉ số khác lại chưa tới.
Chuẩn không thể phù hợp với mọi đối tượng ở tất cả 125 chỉ số vì trẻ em có những tốc độ phát triển khác nhau và thiên hướng khác nhau.
Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì tốc độ phát triển càng khác nhau, đương nhiên, đến 5-6 tuổi trẻ đỡ chênh lệch hơn về sự phát triển cá nhân và có những thiên hướng khác nhau. Do đó, đừng có quá lo lắng về một số chỉ số cao quá hay thấp quá.
Như bà phân tích thì 125 chỉ số không phải là quy định “cứng”, nhưng trong đó lại có những chỉ số lượng hóa rất rõ dẫn đến nhiều hiểu nhầm như “phải đi lùi trên đường thẳng 5m” “chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 giây”…Với những quy định “cứng” như vậy thì có phù hợp khi triển khai ở nhiều đối tượng?
Theo tôi, đó không phải là những quy định cứng. Đó là những mong muốn theo quan niệm đưa ra trong chuẩn này, mà đã nói đến mong muốn là không cứng.
Có thể hiểu, đó là những gì trẻ có thể biết và có thể làm ở độ tuổi này.
Khi đưa ra chuẩn, người ta đã khảo sát tính xác thực mang tính chất tương đối đại diện các khu vực, vùng miền . Chuẩn đó là những cái chung, nhưng đối với cá nhân trẻ, có thể phát triển trội hơn hoặc đạt xấp xỉ…
Và đương nhiên trong chuẩn này, có thể còn có những chi tiết cần chỉnh sửa thêm, vì vậy mới được đem ra lấy ý kiến.
Sẽ lấy ý kiến trong 60 ngày
– Cũng có một bộ phận giáo viên mầm non băn khoăn: chuẩn sẽ đem đến cho họ thêm áp lực vì lương không tăng nhưng khối lượng việc thì nhiều lên. Vậy, để triển khai chuẩn được hiệu quả thì từng giáo viên sẽ được định hướng những gì?
Áp lực hay không thì phải chờ chuẩn ban hành kèm theo hướng dẫn sử dụng. Còn đây mới là dự thảo trưng cầu ý kiến.
Sau khoảng 60 ngày, ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh trước khi trình lãnh đạo xem xét. Khi Chuẩn ban hành sẽ kèm theo hướng dẫn sử dụng.
Được biết, chiều 9/2 Vụ Giáo dục Mầm non đã khởi động cuộc họp để biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng chuẩn. Do vậy, chưa có lý do gì để nói áp lực hay không áp lực.
– Được biết, ngoài dự thảo “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo “Chương trình Giáo dục mầm non mới” và đề án “Phổ cập trẻ 5 tuổi…”. Những đổi mới này có mối liên quan với nhau như thế nào, thưa bà?
Hiện nay, dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới cũng đã được thẩm định. Một số người tham gia biên soạn “Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” cũng tham gia vào làm chương trình nên đương nhiên có mối liên hệ sử dụng trong quá trình làm Chuẩn và Chương trình giáo dục mầm non mới.
Trong Chương trình Giáo dục mầm non mới có phần “Kết quả mong đợi”.
Kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực giáo dục phát triển cho trẻ mang tính định hướng giúp cho giáo viên xây dựng, điều chỉnh kế hoạch chăm sóc giáo dục và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục làm sao giúp trẻ phát triển tốt nhất.
– Cảm ơn bà!
Kiều Oanh (Vietnamnet)
Bình luận (0)