Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sẽ có thêm nhiều khối thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc mở rộng khối thi như thế nào trong mùa tuyển sinh 2012, nhưng Bộ GDĐT cho biết, sẽ bổ sung thêm khối thi và tăng thêm cơ hội cho thí sinh dự thi. Đặc biệt, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định.

Mở rộng môn thi
Mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều trường tỏ ra đồng tình với cách làm mới này.
ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) đưa ra khối mới là Toán, Lý, Ngoại ngữ cho ngành công nghệ thông tin. Trường ĐH Luật TP.HCM thì dự kiến thi môn Toán, Lý, Ngoại ngữ hoặc Văn, Sử, Ngoại ngữ…
Lãnh đạo Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, nhà trường đã chủ động mở rộng khối thi từ năm 2011. Trước đây trường chỉ tuyển khối A nhưng sau thực tế tuyển sinh nhiều năm, trường quyết định mở thêm khối D1 cho 2 ngành học này vì học ngành Công nghệ thông tin không cần môn Hóa. Việc mở rộng thêm khối thi càng tạo điều kiện cho thí sinh, các em có nhiều khả năng để lựa chọn và sẽ thu hút được nhiều thí sinh đăng ký dự thi vào trường. Trường sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn được các thí sinh giỏi. Dự kiến năm nay, Học viện sẽ mở rộng thêm khối thi, lấy gốc là môn Toán

và lựa chọn thêm các môn khác như Ngoại ngữ, Văn.
Các trường khối nghệ thuật cũng rất đồng tình với phương án cải tiến này của Bộ. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa khẳng định, trường đã sẵn sàng đề án đổi mới trong tuyển sinh, chỉ còn chờ ý kiến từ Bộ. Nếu được cho phép, bắt đầu từ năm 2012, hai môn Văn, Sử vốn vẫn thi theo đề chung của Bộ sẽ do trường tự tổ chức thi.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc cải tiến tuyển sinh không làm xáo trộn bất cứ lựa chọn nào trước đó mà chỉ tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Bộ và các trường vẫn duy trì khối thi truyền thống mà trường đã và đang tuyển sinh. Bên cạnh đó sẽ mở rộng thêm khối thi bằng cách tổ hợp các môn thi của các khối khác nhau để thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển và các trường có điều kiện chọn thí sinh vào ngành nghề phù hợp.
Theo đó, những thí sinh thi khối A đợt 1 nếu chọn thêm khối C, D đợt 2 thì sẽ có thêm cơ hội thứ ba vào trường ĐH có tuyển sinh khối thi mới gồm toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ thông qua việc tích hợp điểm môn văn (khối C) hoặc ngoại ngữ (khối D) với điểm môn toán và vật lý (khối A).
Nhiều trường dè dặt và lo ngại
Trái ngược với sự đồng tình trên, một số trường ĐH trọng điểm tỏ ra khá dè dặt và lo ngại.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, ĐHQG Hà Nội là một trong những đơn vị được Bộ giao quyền tự tổ chức tuyển sinh. Sau khi nhận được thông báo này, ĐHQG Hà Nội đã báo cáo với Bộ GDĐT về việc muốn đưa ra một đề án nhằm đổi mới toàn diện trong công tác tuyển tuyển sinh chứ không chỉ ở riêng ĐHQG. Bộ GDĐT có thể sử dụng nền tảng nghiên cứu khoa học của đề án này để tổ chức tuyển sinh giống như ở nước ngoài. Đó là hình thành một trung tâm khảo thí mà hàng năm người học đến đó để đánh giá năng lực học tập, tùy theo các trường có thể lấy số điểm đánh giá năng lực để xét đầu vào rồi kết hợp cụ thể từng yêu cầu của các trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề ông Giang lo ngại là hệ lụy việc triển khai đề án này thí sinh sẽ ngại thi theo cách mới mà tránh thi vào ĐHQG Hà Nội cũng như kết quả thi của trường sẽ không được công nhận ở các trường ĐH khác.
Lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, việc có thêm nhiều khối thi sẽ tạo thêm thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường sẽ vất vả hơn trong công tác tổ chức thi. Vấn đề đặt ra ở đây là mở rộng khối thi thì trường có tuyển thêm được sinh viên hay không? Dự kiến trong năm 2012, ĐH Kinh tế quốc dân không thay đối phương án tuyển sinh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ – Địa chất cho rằng, việc tổ chức thi hiện nay tương đối chặt chẽ, Bộ chỉ cần thay đổi cấu trúc đề thi là ổn chứ không nên thay đổi môn thi. Năm 2012, ĐH Mỏ – Địa chất không thay đổi môn thi, tiếp tục thi khối A.
Lãnh đạo một số trường ĐH khác nêu quan điểm: Không nên tổ chức cho thí sinh thi nhiều môn, vừa chưa chắc đã có tác dụng mà lại gây tốn kém và tăng thêm sức ép cho thí sinh. Số lượng tối đa của một khối thi hay một tổ hợp môn thi nên là 3 môn thi trong một đợt thi. Việc xác định môn thi cần dựa trên định hướng nghề nghiệp thì mới có ý nghĩa sàng lọc và có tác dụng đích thực. Mỗi ngành hoặc nhóm ngành đào tạo đòi hỏi thí sinh cần có nhóm kiến thức đầu vào khác nhau và nhóm kiến thức này sẽ được nhà trường đào tạo cho người học trong suốt khóa học, nên tổ hợp môn thi (hay khối thi) cũng khác nhau, tùy theo ngành đào tạo.
Thông tin chính thức về việc mở rộng khối thi sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14/1/2012 tới.
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Bình luận (0)