Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sẽ có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Từ ngày 1/7/2010 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật giáo dục có hiệu lực thi hành và các tổ chức, cá nhân được phép thành lập tổ  chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, các cơ sở giáo dục đang hoạt động khi kiểm tra không đủ điều kiện sẽ cho dừng hoạt động lại ngay để khắc phục, nếu trong  hạn cho phép không khắc phục được sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động hoặc giải thể.
Các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn tổ chức kiểm định cho mình như hình thức lựa chọn cơ quan kiểm toán đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Thưa  ông, được biết trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục có cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức kiểm địnhchất lượng giáo dục. Xin ông cho biết rõ hơn về quy định mới này?
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đòi hỏi phải được đánh giá khách quan nên trong lần sửa đổi này chúng tôi lưu ý đến việc cho phép tổ chức, cá  nhân và cả các tổ chức nước ngoài có  đủ điều kiện được thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Như vậy, trong tương lai sẽ hình thành hai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, một là do Nhà nước thành lập và hai là do cá nhân, tổ chức tự thành lập. Qua đó các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn tổ chức kiểm định cho mình như hình thức lựa chọn cơ quan kiểm toán đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Trước mắt, khi chưa thành lập được tổ chức kiểm định độc lập Bộ sẽ cho thành lập Hội  đồng thẩm định theo Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng sẽ có từ 7 đến 9 thành viên để tiến hành thẩm định những cơ sở giáo dục hiện hành. Nói về chức năng kiểm định chất lượng giáo dục, lâu nay ngành giáo dục vẫn có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm làm việc này.
Có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tách riêng cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục ra để tạo tính độc lập trong hoạt động. Nhưng cũng có vấn đề ở đây là tách riêng ra tổ chức này sẽ không đủ việc để làm vì việc thành lập mới các cơ sở giáo dục hiện nay không nhiều.
Làm thế nào để kiểm soát chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tư nhân, tổ chức thành lập thưa ông?
Đây là lĩnh vực dịch vụ có điều kiện nên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ đang soạn thảo văn bản hướng dẫn quy định về điều kiện thành lập, giải thể, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, để thống nhất về thẩm quyền cũng như tạo cơ sở cho việc xây dựng văn bản quy định điều kiện thành lập của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập theo hướng xã hội hóa công tác này, trong luật bổ sung lần này đã đưa vào các quy định về nội dung quản lý Nhà nước, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục.
Cụ thể là  Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ là đầu mối quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ sẽ mở những lớp đào tạo cho các tổ chức, cá nhân muốn làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục độc lập và khi tổ chức đã được phép hoạt động thì kết quả kiểm định có giá trị như kết quả kiểm định do cơ quan Nhà nước tiến hành.
Trong các quy định về việc đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở giáo dục không có quy định nào liên quan đến việc chất lượng giáo dục không đáp ứng yêu cầu qua kết quả kiểm định. Việc này sẽ xử lý như thế nào thưa ông?
Kiểm tra, thẩm địnhchất lượng giáo dục gồm hai phần; kiểm tra điều kiện  để đưa cơ sở giáo dục mới vào hoạt  động và thẩm định các cơ sở giáo dục đang hoạt động theo định kỳ. Các trường đang hoạt động khi kiểm tra không đủ điều kiện sẽ cho dừng hoạt động lại ngay để khắc phục, nếu trong  hạn cho phép không khắc phục được sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động hoặc giải thể.
Tuy nhiên việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo từng ngành học. Hiện nay một trường đại học, cao đẳng thường có nhiều nhóm ngành và nhóm ngành nào không đáp ứng đủ điều kiện sẽ chỉ dừng hoạt động ở nhóm ngành đó. Chất lượng giáo dục liên tục có biến động nên việc kiểm tra chất lượng sẽ được tiến hành thường xuyên. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng thuê danh giáo sư, tiến sĩ để đáp ứng đủ yêu cầu thành lập cơ sở giáo dục như chúng ta vẫn nói đến hiện nay…
Xin ông cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ra bao nhiêu văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, liệu có kịp thời gian luật có hiệu lực thi hành không?
Theo dự  kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có 31 văn bản hướng dẫn bao gồm; 23 văn bản sửa đổi bổ sung hoặc tiếp tục soạn thảo theo kế hoạch; 4 văn bản ban hành mới gồm 6 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 19 Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ liên quan.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân công cụ thể đến các đơn vị có liên quan để thực hiện việc soạn thảo để sau ngày 1/7/2010, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục có hiệu lực thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đã ổn định, thống nhất điều chỉnh các hoạt động giáo dục.
Theo VnEconomy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)