Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TP.HCM tới đây sẽ ban hành điều chỉnh bộ tiêu chính đánh giá an toàn trường học để phù hợp hơn với tình hình mới. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng về những điều chỉnh này.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng (áo xanh) trong lần cùng Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiểm tra dạy học trực tiếp tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi

Tách bán trú thành một tiêu chí riêng – trường học phải đạt mới được tổ chức

+ Phóng viên: Xin ông cho biết, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học điều chỉnh tới đây sẽ được điều chỉnh như thế nào, thưa ông?.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng: Dự thảo điều chỉnh Bộ tiêu chí đánh gía an toàn trường học được Sở GD-ĐT và Sở Y tế tính toán, tham mưu trình UBND TP sẽ vẫn bao gồm 10 tiêu chí thành phần. Tuy nhiên sẽ có thêm 1 tiêu chí bắt buộc riêng về việc tổ chức bán trú.

Trong các tiêu chí thành phần sẽ điều chỉnh về tiêu chí khoảng cách, ưu tiên về thông khí và được tính theo mật độ học sinh, giáo viên/m2; điều chỉnh về tỷ lệ tiêm vắc-xin ở cả cán bộ, giáo viên, nhân viên học sinh, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên, nhân viên như trước; bổ sung thêm nội dung về tiêu chí nhân viên y tế học đường.

Trường học cần đạt 8/10 tiêu chí an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, để có thể tổ chức hoạt động bán trú thì bắt buộc phải đạt tiêu chí riêng về bán trú. Nếu không đạt sẽ không được phép tổ chức.

+ Trong tổ chức dạy học trực tiếp, nhu cầu bán trú của phụ huynh cực kỳ lớn. Đặc biệt là đối với các lớp đang triển khai chương trình GDPT 2018 là lớp 1, 2, 6, bắt buộc phải học 2 buổi/ngày. Việc siết quy định về tổ chức bán trú liệu có “làm khó” phụ huynh, học sinh, nhà trường trong điều kiện hiện nay không, thưa ông?.

– Trước đây, với Bộ tiêu chí an toàn trường học cũ, tiêu chí về tổ chức bán trú là một trong 10 tiêu chí thành phần để đánh giá chung về mức độ an toàn trường học. Nhà trường có thể không đạt tiêu chí về bán trú, căng tin nhưng vẫn tổ chức hoạt động này.

Trong lần điều chỉnh này, tiêu chí về tổ chức bán trú được Sở GD-ĐT và Sở Y tế thống nhất “tách” hẳn ra thành 1 tiêu chí riêng, được xem là tiêu chí bắt buộc, để siết chặt hơn các quy định về phòng chống dịch trong nhà trường phù hợp với tình hình mới.

Điều chỉnh này bước đầu chắc chắn sẽ gây khó cho trường. Tuy nhiên, về các quy định cụ thể để đạt được tiêu chí này thì không hề mới, nếu như trường thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu về các quy định tổ chức bán trú thì không hề gặp khó khăn.

Để tổ chức bán trú phải đảm bảo khoảng cách giữa mỗi học sinh là 1m, trường học có thể linh hoạt bố trí lệch giờ ăn, tổ chức ăn trong lớp học, chia phòng ăn, phòng ngủ để đảm bảo đạt yêu cầu này.

Hiện nay, trường học được chủ động thiết kế hoạt động giáo dục trong nhà trường. Vì thế, nhà trường cần linh hoạt, chủ động hơn, tận dụng mọi cơ sở vật chất của trường để làm sao vừa nỗ lực tổ chức tốt hoạt động giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, học sinh song vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin ở học sinh sẽ được tính là tiêu chí an toàn

+ Như ông đã nói, Bộ tiêu chí sẽ điều chỉnh về khoảng cách, tỷ lệ tiêm vắcxin, cụ thể là thế nào thưa ông?

– Tiêu chí về tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tới đây sẽ được tính chung bao gồm tỷ lệ tiêm vắc-xin ở cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Tỷ lệ tiêm vắc-xin ở học sinh phải đạt % nhất định mới đạt an toàn…

Điều chỉnh này dựa trên quan điểm của y tế hiện nay là việc đánh giá mức độ nguy cơ theo tỷ lệ tiêm vắc-xin của người dân trên một địa bàn. Quy về trường học thì sẽ là tổng số người/trường học. Như vậy, ngoài cán bộ, giáo viên, nhân viên thì còn phải bao gồm cả học sinh.


Trường học bắt buộc phải đạt tiêu chí về bán trú mới được phép tổ chức bán trú

Với điều chỉnh về tiêu chí khoảng cách. Trước đây quy định khoảng cách giữa mỗi học sinh, giáo viên trong lớp, phòng phải đạt từ 1m trở lên. Song, để phù hợp hơn với điều kiện thực tế của các nhà trường, tiêu chí an toàn này sẽ được điều chỉnh tính theo mật độ học sinh/m2, thay vì tính theo chiều dài khoảng cách, ưu tiên nhiều hơn về mức độ thông thoáng khí trong phòng học, phòng làm việc.

Mật độ theo quy định mới đảm bảo an toàn sẽ là 1,25-1,5m2/học sinh, tuỳ theo từng cấp bậc học. Điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện hơn cho các nhà trường.

Đưa tiêu chí nhân viên y tế học đường vào đánh giá mức độ an toàn

+ Với tiêu chí nhân viên y tế học đường thì sao, thưa ông?

– Đây là tiêu chí hoàn toàn mới, chưa được đề cập trong Bộ tiêu chính đánh giá an toàn trường học trước đây. Việc bổ sung thêm tiêu chí về nhân viên y tế học đường trở thành 1 trong 10 tiêu chí thành phần đánh giá mức độ an toàn của nhà trường để đánh giá đúng tầm quan trọng và nâng cao vai trò của nhân viên y tế trường học trong phòng chống dịch tại mỗi cơ sở giáo dục.

Điều chỉnh này nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh khi học trực tiếp tại trường, phù hợp hơn với điều kiện thực tế về phòng chống dịch trong điều kiện hiện nay và sắp tới.

Điều chỉnh ban hành chắc chắc sẽ tác động đến nhà trường, phụ huynh, học sinh. Sẽ có trường phải tính toán lại tổ chức bán trú, căng tin, nâng cao và linh hoạt hơn nữa khi tổ chức cũng như phải tính đến tuyển dụng nhân viên y tế học đường đạt chuẩn.

Tuy nhiên, các điều chỉnh sẽ giúp nhà trường linh hoạt hơn khi tổ chức giảng dạy trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Nhất là duy trì việc dạy và học trực tiếp trên địa bàn thành phố một cách bền vững, an toàn nhất.

+ Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)