Ngày 28-11, UBND TP.HCM trình Chính phủ phương án điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.
Theo đó, biện pháp lệch ca, lệch giờ được UBND TP áp dụng cho 3 nhóm điều chỉnh gồm nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS; nhóm học sinh các trường THPT và các trường đại học, cao đẳng và nhóm cán bộ công nhân viên và người lao động.
Về phương án lệch giờ học, chỉ có học sinh các trường tiểu học và THCS được điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về muộn hơn 15 phút so với giờ học tập hiện tại. Cụ thể, bậc tiểu học, nếu học 1 buổi không điều chỉnh, học 2 buổi điều chỉnh muộn 15 phút (13h15 – 16h45). Học sinh các trường THCS điều chỉnh muộn 15 phút (7h15 – 11h30, 13h15 – 17h15); học sinh THPT không điều chỉnh (6h45 – 11h15, 12h45 – 17h15). Đối với học sinh các trường mầm non và THPT, TP kiến nghị Chính phủ vẫn giữ nguyên giờ học tập hiện tại (7h30 – 16h). Giờ làm việc hành chính không thay đổi (7h30 – 11h30, 13h – 17h).
Theo UBND TP, các trường mầm non và THPT nằm rải rác khắp địa bàn và đã được phân tuyến, có đến 90% học sinh đi lại gần nơi cư trú, ít gây ùn tắc giao thông nên không cần điều chỉnh. Thực tế cho thấy phụ huynh thường xuyên đưa đón con em đi học ở các cấp phổ thông nên việc bố trí lệch ca, lệch giờ chưa thể mang lại nhiều kết quả trong phòng chống ùn tắc giao thông. Theo UBND TP, giải pháp căn cơ, thiết yếu hơn là phải tăng cường dịch vụ đưa rước học sinh bằng xe buýt và xe 12 chỗ ngồi để giảm số lượng xe máy.
Về phương án lệch giờ làm việc, TP.HCM kiến nghị Chính phủ vẫn giữ nguyên giờ làm việc hiện tại là buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 17h. Sở dĩ TP đi đến quyết định không thay đổi giờ làm việc vì số cán bộ công nhân viên hành chính ở cấp quận, huyện có đến hơn 90% là người cùng địa bàn nơi làm việc. Người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu tập trung ở ngoại thành gần nơi làm việc nên cũng không gây nhiều ùn tắc giao thông nên không nhất thiết phải thay đổi.
M.Tuấn
Bình luận (0)