Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sẽ điều chỉnh học phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT đang đề xuất một số nội dung quan trọng trong đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2012. Trong đó có một nội dung “nóng sốt”: học phí!

Khung học phí (HP) mới theo bảy nhóm ngành đối với giáo dục ĐH, lấy thu nhập bình quân đầu người/tháng làm căn cứ xác định mức HP phổ thông ở từng địa phương, miễn HP và hỗ trợ chi phí học tập đối với những đối tượng đặc biệt, bắt đầu áp dụng HP mới từ học kỳ 1 năm học 2009-2010…
Tân sinh viên đóng học phí nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm học 2008-2009  – Ảnh: NHƯ HÙNG
Học phí theo bậc học, loại hình đào tạo
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị sửa đổi chế độ HP của các trường công lập theo hướng: mức HP và các chi phí học tập hợp lý khác của hộ gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Mức HP đối với đào tạo công lập, bao gồm dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH, từng bước đảm bảo chi thường xuyên của các nhóm ngành, tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo.
Mức HP sẽ được phân biệt giữa chương trình đào tạo đại trà (mà Bộ GD-ĐT xác định là chương trình đạt mức chất lượng tối thiểu) và chương trình đào tạo chất lượng cao. Đối với chương trình đại trà ở các bậc học, HP sẽ được xác định theo nguyên tắc nêu trên. Đối với các chương trình chất lượng cao, phần chi phí tăng thêm ngoài phần chi của Nhà nước để có chất lượng cao hơn sẽ do người học chi trả. Cơ sở đào tạo chất lượng cao được thu HP cao hơn.
Bộ GD-ĐT khẳng định tiếp tục thực hiện miễn HP đối với HS tiểu học, HS thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời sẽ thực hiện giảm HP cho các đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách, ngành nghề cần khuyến khích. Nhà nước cũng sẽ thực hiện hỗ trợ chi phí học tập theo hình thức chi ngoài nhà trường cho HS phổ thông diện chính sách và các vùng có thu nhập rất thấp.
Riêng chính sách miễn HP đối với SV ngành sư phạm hiện nay dự kiến sẽ được thay bằng chính sách tín dụng SV. SV sư phạm sẽ được vay tiền tín dụng ưu đãi để ăn học, khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất năm năm (đối với ĐH, CĐ) và ba năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì Nhà nước sẽ xóa nợ cả gốc lẫn lãi phần chi trả cho HP.
Về phương thức thực hiện các chính sách hỗ trợ, thay vì do các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách miễn giảm HP cho người học như hiện nay, theo đề án sẽ chuyển sang phương thức Nhà nước thực hiện cấp trực tiếp HP cho các đối tượng được miễn, giảm để người học thực hiện đóng HP cho các cơ sở giáo dục.
Theo nguyên tắc trên, HP bình quân của các tỉnh thành cho bậc học mầm non và phổ thông sẽ được xác định bằng 6% thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn. Mức HP do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và thu nhập của hộ gia đình trên địa bàn. Để tăng thêm tính hợp lý và khả thi của định hướng này, trong đề án Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “HP sẽ được xây dựng theo nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả, trong một tỉnh có các vùng có mức thu nhập khác nhau có thể có mức HP khác nhau”. Với các hộ dân có thu nhập rất thấp, nếu 6% thu nhập chưa đảm bảo chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục, đi lại tối thiểu… thì được Nhà nước hỗ trợ thêm ngoài phần miễn HP – đề án nêu rõ.
Học phí theo khu vực
Với định hướng này, các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Quảng Ninh… sẽ có mức HP dự kiến cao nhất. Các tỉnh vùng Tây Bắc, một số tỉnh vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Tây nguyên sẽ có mức HP thấp nhất, trong đó có những tỉnh HS không phải đóng hoặc đóng HP không đáng kể, đồng thời còn được hỗ trợ học bổng, trợ cấp mua sách vở, đồ dùng học tập để đi học.
Bộ GD-ĐT cũng xác định các trường phổ thông chuyên là cơ sở giáo dục để đào tạo nhân tài của các địa phương. Mức HP ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà trên địa bàn. Các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn chi phí hoạt động, người học không phải đóng HP.
Đối với giáo dục ĐH, khung HP dự kiến được áp dụng trong giai đoạn từ nay đến 2012 sẽ được xây dựng theo mức riêng cho từng nhóm ngành đào tạo. Bộ GD-ĐT phân chia thành bảy nhóm ngành đào tạo. Trong từng nhóm ngành, khung HP có mức sàn và mức trần, khoảng cách từ mức thấp nhất (sàn) đến mức cao nhất (trần) trong khung HP mới sẽ nới rộng hơn rất nhiều so với khung HP hiện nay.
Đối với hệ đào tạo không chính quy, Bộ GD-ĐT cho rằng HP cần đảm bảo bù đắp chi phí thường xuyên tối thiểu, và không vượt quá 150% mức HP chính quy cùng cấp học và các nhóm ngành nghề đào tạo.
THANH HÀ – CẦM VĂN KÌNH (TTO)
Học phí bao nhiêu?
Thấp nhất là khung HP của nhóm ngành đào tạo sư phạm (200.000-500.000 đồng/tháng), tiếp đến là nông – lâm – thủy sản (230.000-550.000 đồng/tháng), rồi đến khoa học xã hội – kinh tế – luật (250.000-550.000 đồng/tháng). Ba nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, khoa học tự nhiên và thể dục thể thao – nghệ thuật có khung HP bằng nhau (270.000-650.000 đồng/tháng). HP cao nhất là nhóm ngành y dược (290.000-800.000 đồng/tháng).
Đối với trung cấp nghề và CĐ nghề, khung HP dự kiến cho giai đoạn đến 2012 được chia theo tám nhóm nghề đào tạo. Trong đó, thấp nhất là HP của khối kỹ thuật điện tử – bưu chính viễn thông (200.000-500.000 đồng/tháng), cao nhất là HP của khối ngành thăm dò địa chất – thủy văn – khí tượng (300.000-700.000 đồng/tháng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)